Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và các phần mềm, ứng dụng để công bố, công khai thông tin quan trắc môi trường quốc gia một cách thống nhất, hiệu quả. Trong đó chất lượng các dự báo môi trường, nhất là môi trường biển đảo cần được giám sát và dự báo hiệu quả, chính xác hơn trong thời gian tới.
Chấm dứt tình trạng dữ liệu tản mát
Chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Trước thời đại công nghệ ngày càng phát triển, Bộ TN&MT đã và đang hoàn thiện các hướng dẫn, quy định về hoạt động công bố thông tin chất lượng môi trường; nâng cấp nền tảng hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ mới phục vụ hệ thống truyền dẫn và tiếp nhận, xử lý dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu và các phần mềm, ứng dụng để công bố, công khai thông tin môi trường một cách thống nhất, hiệu quả để phục vụ nhân dân.
Trước đó Bộ TN&MT cũng đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể Mạng lưới Quan trắc môi trường quốc gia. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường đầu tư cho công tác quan trắc môi trường một cách đồng bộ và hiện đại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Võ Tuấn Nhân thừa nhận, mặc dù có bối cảnh thuận lợi, nhưng xét một cách khách quan thì công tác quản lý, lưu giữ, sử dụng thông tin dữ liệu môi trường vẫn còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn; dữ liệu tản mát, số liệu chưa bám sát thực tiễn.
Để chấm dứt tình trạng này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn thông qua hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đề ra các giải pháp để sớm triển khai và đưa Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu thực tiễn đảm bảo phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về môi trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, số liệu môi trường. Đặc biệt, phải xây dựng nhanh Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia công khai, hiệu quả, liên thông CSDL và thống nhất trên toàn quốc.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt hơn
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân về việc liên thông và thống nhất CSDL quan trắc, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, hệ thống tích cực dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia ra đời phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, hướng tới cảnh báo, dự báo môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giúp Việt Nam chủ động trong quá trình phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Về mặt kĩ thuật, hệ thống này được triển khai dựa trên nền tảng cốt lõi là nâng cấp phần mềm Envisoft; có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu mạng lưới quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; tích hợp với dữ liệu chuyên ngành như viễn thám và GIS, khí tượng thuỷ văn và các dữ liệu bộ, ngành khác. Toàn bộ dữ liệu quan trắc này được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên nền tảng công nghệ các siêu máy tính, xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp. Từ đó, công bố thông tin môi trường (dự báo thời tiết, dự báo triều cường, dự báo cháy rừng, dự báo ô nhiễm các vùng biển) và dự báo, cảnh báo môi trường trước các sự cố.
Tuy nhiên, phần mềm Envisoft đang có sự “vênh” giữa 22 địa phương sử dụng hạ tầng của Bộ TN&MT và 33 địa phương đang sử dụng hạ tầng của các Sở TN&MT địa phương; 8 địa phương còn lại, có hạ tầng công nghệ thông tin phức tạp và đang sử dụng chung với các đơn vị khác. Đặc biệt, việc vận hành Hệ thống thời gian tới cần phải thống nhất để khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang phân mảnh, riêng rẽ hiện nay. Bởi chỉ có thống nhất dữ liệu, cơ quan kiểm soát mới có thể nhanh chóng phát hiện được các “vùng ô nhiễm” để đưa ra các cảnh báo nhanh và chính xác, giúp công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt hơn.
Được biết trên thế giới, với các hệ thống quan trắc này các thông tin cảnh báo động đất, sóng thần, núi lửa phun, triều cường cho tới dự báo thời tiết được cập nhật 24/7, được nhắn tin miễn phí tới các thuê bao di động và các bản tin phát thanh/ truyền hình khi xảy ra các sự cố/ thảm họa về môi trường. Ví dụ, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 nhờ hệ thống cảnh báo sớm mà đã cứu được hàng triệu người dân thoát khỏi thảm họa kép tồi tệ này. Còn tại Việt Nam, hệ thống này rất cần được nâng cấp để người dân có thêm kênh thông tin cảnh báo trước các thảm họa mưa lũ, sạt lở đất hay triều cường đang diễn ra ngày một nhiều với tần suất dày hơn trong vài năm gần đây.