Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt việc dạy thêm sau giờ học, trung tâm dạy kèm nơi Lan Yuwen làm việc phải đóng cửa khiến cô cũng mất việc.

 Lan Yuwen bật khóc khi chia sẻ câu chuyện đi bán hàng cơm 

Sau nhiều tháng chật vật tìm việc, cô gái 25 tuổi phải tạm thời đi bán cơm trên phố ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Cô mở một quầy hàng di động, bán cơm cuộn trên đường phố, theo SCMP.

"Tôi cũng không muốn tìm một công việc tạm vì sẽ chỉ khiến tôi chán chường. Nhưng tôi phải trả tiền thuê nhà, vì vậy tôi cần kiếm tiền để nuôi sống bản thân", cô nói.

Cô rất vui với thu nhập từ việc bán cơm cuộn trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, sang ngày thứ 2, dù chuẩn bị 10 phần cơm nhưng Lan chỉ bán được một suất vào cuối ngày, giá 5 Nhân dân tệ (khoảng 17.000 đồng). Thực tế khó khăn khiến cô không kìm nổi nước mắt.

Lan cho biết cô phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị nguyên liệu, lắp quầy hàng và mở bán lúc 7h. Cô thay đổi địa điểm bán liên tục theo yêu cầu của nhân viên trật tự đô thị nên có rất ít khách hàng.

"Bán hàng trên phố thực sự là công việc không dễ dàng. Bạn phải chuẩn bị trước, phải dựng quầy, đối phó với nhiều tình huống khẩn cấp khác nhau. Tôi dậy lúc 5h mỗi sáng và đầu đau như búa bổ vào cuối ngày. Thật khó khi chỉ có một người quản lý tất cả điều này", cô nói.

Lan nhận được nhiều sự đồng cảm của người dùng mạng

Video của Lan chia sẻ trên mạng thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên Weibo. Nhiều người cho rằng việc bị thất nghiệp đã khiến người trẻ cảm thấy vô cùng khó khăn và tỏ ra đồng cảm với Lan Yuwen

"Hãy cố lên, đây chỉ là những trở ngại mà thôi"; "Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, càng khó khăn hơn với những người buôn bán. Chúng ta nên thấu hiểu và bao dung hơn"; "Làm kinh doanh không dễ dàng. Tôi khuyên bạn nên bán nhiều loại đồ ăn sáng khác nhau, ví dụ như sữa, sữa đậu nành, trứng luộc" ... người dùng mạng bình luận.

Lan thừa nhận đây chỉ là cảm xúc nhất thời, cô sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ. Cô cho biết bán đồ ăn trên đường phố chỉ là tạm thời. Kế hoạch lâu dài vẫn là trở lại làm việc toàn thời gian.

"Thật không may vì phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp, nhưng tôi vẫn cố gắng, vẫn vui vẻ để kiểm soát cuộc sống của mình. Chuyện mở cửa hàng bán cơm chỉ là lựa chọn tạm thời mà thôi,  đi làm toàn thời gian vẫn là mục tiêu của tôi. Cảm ơn mọi người đã động viên", cô tâm sự.

Tuy nhiên, câu chuyện của Lan nêu bật những khó khăn mà nhiều thanh niên ở Trung Quốc đang phải đối mặt. Họ đang cố gắng tìm việc làm trong điều kiện kinh tế khó khăn ngày nay. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 của nhóm 16-24 tuổi ở Trung Quốc là 19,6%, mức cao thứ 2 từng được ghi nhận.