Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận 4, TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11); tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2013 - 2023 và tổng kết 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn quận 4.
Theo đó, thời gian qua, quận 4 luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt Đề án Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Cụ thể, quận đã tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật với hơn 236.000 lượt người tham dự; biên soạn, phát hành miễn phí trên 30.000 tài liệu/năm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, quận 4 có tổng số 82 tổ hòa giải ở cơ sở với 366 hòa giải viên. Bên cạnh đó, quận cũng tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác hòa giải cơ sở như: mô hình “Tổ hòa giải 3 tốt”, “Tổ hòa giải tiêu biểu”... Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành 348 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,1%.
Theo Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận 4 cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Cùng với đó, các đơn vị cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch.
Ông Lê Văn Chiến cũng lưu ý, công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Cần đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật như đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật…