TQ tiến hành một chiến dịch điều tra trên phạm vi cả nước để xác định có bao nhiêu quan chức đã tự sát kể từ khi ông Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay.
Tính đến nay, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo hoặc áp dụng biện pháp kỷ luật với hàng ngàn quan chức. Kèm theo đó, tỉ lệ tự sát của quan chức TQ cũng tăng lên đáng kể.
Rất nhiều quan chức TQ đã bị bắt và xét xử vì tham nhũng. Ảnh: Reuters |
Báo chí TQ đưa tin, TQ đã yêu cầu các chính quyền địa phương xác định, nhận diện số lượng và chi tiết “các vụ tử vong bất thường” gồm cả tự sát trong hàng ngũ quan chức kể từ tháng 12/2012. Hàng trăm nghìn ruồi (quan chức cấp thấp) và nhiều hổ (quan chức cấp cao) đã sa lưới chống tham nhũng như cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch quân ủy Từ Tài Hậu.
Truyền thông TQ đã đăng tải nhiều bài báo về những trường hợp các quan tham TQ tự sát trong lúc bị điều tra. Theo đó, gia đình và bạn bè các quan chức này thậm chí còn “vinh danh” hành động của họ. Đó là vì cái chết sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt bất kỳ cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng nào, nhờ đó mà quan tham đã bảo vệ được mạng lưới và giúp gia đình giữ lại được tài sản dù bất chính hay không.
Quan chức bị kết tội tham nhũng không chỉ bị tù hoặc thậm chí lĩnh án tử hình mà họ và gia đình họ sẽ bị tịch thu hết tài sản, không còn được hưởng lương hưu. Con cái nhiều khi không còn được học ở trường danh giá hoặc mất việc làm tốt.
Theo yêu cầu mới đưa ra, các quan chức TQ sẽ phải liệt kê chi tiết những “cái chết bất thường” như nhảy tàu, nhảy lầu tự sát, lao xuống sông hay treo cổ. Yêu cầu liệt kê còn phải nêu rõ nguyên nhân tự sát như rối loạn tâm lý, áp lực công việc, tranh chấp gia đình hay liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Nếu một vụ tự sát diễn ra trong quá trình điều tra chống tham nhũng, các quan chức phải nêu rõ ai là đối tượng chính cuộc điều tra.
Thái An (theo CNBC)’