Quan tham Cốc Tuấn Sơn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc (ảnh: Sina)
Ngày 10.8.2015, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc, đã bị tòa quân sự tuyên án tử hình, hoãn thi hành 2 năm, với bốn tội danh: Tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền.
Theo tờ Caixin, lợi dụng chức vụ trong Tổng cục Hậu Cần, quan tham họ Cốc đã ra sức ăn hối lộ và tham ô công quỹ. Ông ta đã nhiều lần tham gia vào việc mua bán chức vụ và cấp hàm của hàng trăm tướng lĩnh quân đội. Cụ thể, hàm Thiếu tướng được Cốc Tuấn Sơn ra giá 30 triệu tệ (tức 105 tỷ đồng), những cấp bậc thấp hơn cũng có giá hàng trăm ngàn tệ.
Nguồn tiền lớn nhất của Cốc Tuấn Sơn đến từ việc mua bán đất quân đội trái phép. Với vai trò Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Cốc Tuấn Sơn nắm quyền lực rất lớn trong việc chuyển nhượng đất quốc phòng và mua sắm trang thiết bị quân sự cho quân đội.
Tờ Caixin dẫn báo cáo của cơ quan điều tra Trung Quốc cho biết, trong một dự án xây dựng trọng điểm của Tổng cục Hậu cần tại Bắc Kinh, Cốc Tuấn Sơn đã trưng mua 125 mẫu đất dân sự với giá rẻ, rồi đem bán hẳn một nửa cho các nhà kinh doanh bất động sản, chiếm đoạt gần 30 tỷ nhân dân tệ.
Cốc Tuấn Sơn còn đặt sẵn quy ước, nhà kinh doanh nào mua đất, lợi nhuận chênh lệch sẽ được chia 6/4, ông ta lấy 6 phần. Quan tham họ Cốc còn đòi các nhà kinh doanh phải xây tặng mình nhiều biệt thự sang trọng trên khu đất đã mua. Cốc Tuấn Sơn có tới 79 căn nhà tại Trung Quốc.
Không chỉ rao bán đất quốc phòng, Cốc Tuấn Sơn còn ăn chặn tiền của các quân khu, đơn vị muốn được phê duyệt cấp vốn để xây dựng và sửa chữa công trình.
Tượng vàng trong nhà Cốc Tuấn Sơn (ảnh minh họa)
Theo tờ Caixin, Cốc Tuấn Sơn là kẻ đặc biệt mê vàng. Trong số những vật giá trị thu được tại nhà ông ta, có một bức tượng bằng vàng nguyên chất hình cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ngoài ra, trong nhà còn có chậu rửa tay và mô hình thuyền buồm bằng vàng tên là “thuận buồn xuôi gió”, cùng rất nhiều chai rượu Mao Đài loại quý hiếm.
Tổng số tài sản bị thu giữ của Cốc Tuấn Sơn lên tới 20 tỷ nhân dân tệ (trên 66 nghìn tỷ VNĐ). Chỉ tính tại nhà riêng của Cốc Tuấn Sơn ở Bắc Kinh, số tài sản bị thu giữ đã chất đầy 4 xe tải lớn và phải cần tới 20 nhân viên làm việc suốt hai ngày đêm mới tịch thu xong.
Cũng theo Caixin, Cốc Tuấn Sơn sinh năm 1956, tại một làng nghèo của thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ, ông này đã bị hàng xóm nhận xét là một đứa trẻ nghịch ngợm, thường xuyên gây gổ với bạn bè.
Năm 1971, Cốc Tuấn Sơn nhập ngũ và được phân công về quân khu Thẩm Dương. Bị đánh giá là người không có năng lực, kỉ luật ở mức trung bình, nhưng ông ta lại rất giỏi trong việc lấy lòng cấp trên.
Đại tá Công Phương Bân của Trung Quốc, từng nhận xét Cốc Tuấn Sơn là người: “Văn hóa thấp, trình độ chính trị kém, hành vi rất dung tục. Khi hội họp không nói được câu ra hồn, nhưng trên bàn rượu thì ba hoa, suồng sã kiểu giang hồ, không có phẩm chất, hình ảnh cần có của một cán bộ lãnh đạo quân đội cấp cao”.
Đồng nghiệp của Cốc Tuấn Sơn từng nhận xét ông này là người rất giỏi quan sát và chiều ý lãnh đạo. Chỉ cần đến chơi một lần, cũng biết nhà cấp trên đang thiếu món gì để tặng.
“Phủ tướng quân” của Cốc Tuấn Sơn xây theo kiến trúc Tử Cấm Thành (ảnh: Sina)
Với khả năng nịnh nọt cấp trên và tài biếu xén, Cốc Tuấn Sơn nhanh chóng được biết tiếng trong đơn vị. Ông ta sau đó có quan hệ tình cảm với con gái của cấp trên – ông Trương Long Hải, nhưng bị gia đình nhà gái cấm cản. Sau cùng, hai người vẫn kết hôn vì đặt ông bố vợ vào “thế đã rồi”.
Tháng 6.1985, Trung Quốc có chính sách cắt giảm 1 triệu quân, để tránh con rể bị về vườn vì không đảm bảo yêu cầu phẩm chất, Trương Long Hải đã giúp đỡ, đưa Cốc Tuấn Sơn về phân khu Bộc Dương, giao quản lý công tác sản xuất tại quân khu.
Thời điểm đó tại Trung Quốc, những hoạt động kinh tế của quân đội phát triển rất mạnh, Cốc Tuấn Sơn vì vậy nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền. Ông ta cũng khéo léo xoay xở, chạy chọt, để được nhiều lãnh đạo đánh giá cao.
Năm 1993, Cốc Tuấn Sơn được thuyên chuyển sang Học viện Chỉ huy Lục quân Tế Nam làm việc, sau đó, tới Học Viện Quốc phòng Quốc gia học tập, tạo cơ sở để trở thành sĩ quan cấp cao.
Năm 2001, Cốc Tuấn Sơn đã được điều tới Bắc Kinh giữ chức Phó giám đốc quân nhu của Tổng cục Hậu cần, quản lý việc xây dựng trong quân đội.
Hai năm sau, ông ta được thăng hàm thiếu tướng. Tháng 12.2009, Cốc Tuấn Sơn chính thức trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc.
Theo tờ Secretchina, không chỉ nổi tiếng về số tiền tham ô, Cốc Tuấn Sơn còn được biết tới là quan tham có biệt phủ lớn nhất Trung Quốc. Ông ta và người em trai có một “Phủ tướng quân”, xây dựng ở quê nhà Hà Nam, rộng hơn 13 mẫu đất, vô cùng nguy nga, tráng lệ, phỏng theo kiến trúc Tử Cấm Thành.
Một số người đẹp được báo chí Trung Quốc cho là tình nhân của quan tham họ Cốc (ảnh minh họa)
Hành trình “ngã ngựa” của Cốc Tuấn Sơn cũng vô cùng ly kỳ. Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, cấp trên của Cốc Tuấn Sơn là người khởi xướng cuộc điều tra.
Lưu Nguyên sau khi nhậm chức tại Tổng cục Hậu cần, đã nắm được manh mối phạm tội của Cốc Tuấn Sơn và lặng lẽ điều tra. Cốc Tuấn Sơn tuy biết chuyện, nhưng dựa vào thế lực vững chắc phía sau, cũng không hề tỏ ra sợ hãi, công khai chống đối cấp trên.
Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, trong một hội nghị nội bộ, ông Lưu Nguyên đã phát biểu nhắm vào Cốc Tuấn Sơn: “Tình hình tham nhũng ở Tổng bộ Hậu cần rất nghiêm trọng. Dù bị mất chức, tôi cũng quyết đấu tranh một sống một chết với nạn tham nhũng hủ bại.”
Cốc Tuấn Sơn không những không sợ mà còn hung hăng đáp trả: “Sau tôi còn có người khác”.
Ông ta còn nói thẳng mặt Liêu Tích Long - Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần, đang có mặt tại hội nghị: “Đừng tưởng ông là Ủy viên Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục, tôi muốn ông đi là ông phải đi. Ông không chặn đường của tôi thì tôi cũng không ngáng đường ông”.
Lưu Nguyên nghe vậy nổi giận, không kiềm chế được, đập bàn quát lớn: “Lưu Nguyên tôi chưa từng ra chiến trường, nhưng cũng mấy lần chết đi sống lại. Tôi thà mất chức cũng quyết bắt tên quan tham như ông”.
Cốc Tuấn Sơn lớn giọng: “Chức vụ sắp tới của tôi sẽ là Phó Tổng Tham mưu trưởng, hàm Thượng tướng. Trong bốn Ủy viên của Quân ủy, tôi đã có một chân.”
Thái độ ngang ngược nói trên của Cốc Tuấn Sơn đã khiên Lưu Nguyên vô cùng tức giận, hạ quyết tâm phải quật ngã bằng được tham quan họ Cốc.
Thượng tướng Lưu Nguyên – người kiên quyết vạch trần Cốc Tuấn Sơn (ảnh: SCMP)
Sau khi nhận được đơn tố giác tội trạng của Cốc Tuấn Sơn, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy đã cử người về xác minh. Ba ngày sau, họ đã kết thúc công việc và đánh giá Cốc Tuấn Sơn “không có vấn đề gì”.
Người phụ trách việc kiểm tra chính là Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu, kẻ chống lưng lớn nhất của Cốc Tuấn Sơn.
Theo tờ Epochtimes, buổi đầu gây dựng quan hệ, quan tham họ Cốc đã đợi suốt đêm trước cửa nhà Từ Tài Hậu để đưa hối lộ. Khi Từ Tài Hậu thức dậy, thấy Sơn mắt đỏ ngầu nhưng vẫn tươi cười đưa quà thì cực kỳ cảm động.
Có lần Cốc Tuấn Sơn còn chất một tạ vàng thỏi trong một chiếc Mercedes, đến nhà Từ Tài Hậu, giao luôn chìa khóa xe. Quan tham họ Cốc đúc 3 bức tượng Mao Trạch Đông bằng vàng, giữ lại một bức, một bức tặng cho Từ Tài Hậu và người khác.
Báo điện tử Bowenpress cho biết, không chỉ có tiền, Cốc Tuấn Sơn còn nhiều lần hối lộ tình dục, dâng từ nhân viên massage, ca sĩ, diễn viên, đến cả con gái ruột của mình, cho Từ Tài Hậu.
Trong số những người đẹp được Cốc Tuấn Sơn hối lộ Từ Tài Hậu, nổi tiếng nhất là nữ ca sĩ quân đội Thang Xán. Cốc Tuấn Sơn đã lợi dụng Thang Xán để lung lạc không chỉ Từ Tài Hậu mà còn nhiều quan chức cấp cao háo sắc khác. Riêng bản thân quan tham họ Cốc cũng có 23 người tình trẻ đẹp.
Theo tờ Tuần báo Phượng Hoàng, Cốc Tuấn Sơn còn từng cùng với Từ Tài Hậu thuê sát thủ ám sát Lưu Nguyên với giá 200 triệu nhân dân tệ.
Cốc Tuấn Sơn không ít lần dùng người đẹp để hối lộ Từ Tài Hậu (ảnh minh họa)
Quay trở lại câu chuyện tố cáo, được sự bao che của Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn bước đầu thoát nạn, tuy nhiên, Lưu Nguyên vẫn nhất quyết không bỏ cuộc.
Lưu Nguyên cùng Liêu Tích Long đã mang hồ sơ và chứng cứ phạm tội của Cốc Tuấn Sơn, trực tiếp báo cáo vượt cấp lên Chủ tịch Quân ủy khi đó, là ông Hồ Cẩm Đào. Dưới sự tác động của ông Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào sau đó đã phê chuẩn việc điều tra vụ án Cốc Tuấn Sơn.
Theo tờ Secretchina, Cốc Tuấn Sơn là người cực mê tín. Ông ta coi một số thầy bói, nhà phong thủy là thượng khách, thường xuyên mời đến nhà bói toán, cầu cúng. Thậm chí, Cốc Tuấn Sơn còn vung tiền xây một khu lăng mộ cho bố ruột, tại khu đất phong thủy vượng nhất ở quê nhà Hà Nam. Ông ta còn làm giả hồ sơ, mạo nhận cho người bố là liệt sĩ.
Khi bị bắt, trong túi quần Cốc Tuấn Sơn vẫn còn nhét một tấm bùa làm bằng gỗ đào. “Đào” có nghĩa khác là “thoát”, mong rằng được sẽ tai qua nạn khỏi. Cốc Tuấn Sơn còn luôn đeo bên mình một hình Mao Trạch Đông nhỏ, bằng vàng, nghĩ rằng làm vậy sẽ được vị cố chủ tịch “ban phước”.
Tuy nhiên, dù cho có chạy chọt bằng cách nào, Cốc Tuấn Sơn vẫn không tránh khỏi sự trừng phạt.
Theo m.danviet.vn