Quản trị quốc gia là tổng hòa các thành tố tạo nên năng lực kiến tạo giá trị của một đất nước. Năng lực này không chỉ thể hiện ở sức tăng trưởng của nền kinh tế mà còn ở tính bền vững của nền móng xã hội và khả năng nắm bắt xu thế thời đại và đi hàng đầu trong dòng chảy thời đại của đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, quản trị quốc gia đóng vai trò rường cột, có tính quyết định đến thành bại của một quốc gia trong hành trình đi đến phồn vinh.

bai so 21 2.jpg

Năm trụ cột

Để phân tích căn cốt chất lượng quản trị quốc gia của một đất nước, các nhà nghiên cứu thường nhìn vào năm trụ cột chủ đạo có tác động tương tác và gia cường lẫn nhau.

Trụ cột thứ nhất là sự ổn định của hệ thống chính trị và các lựa chọn chiến lược của giới lãnh đạo. Trong trụ cột này, khai thác tối đa sức mạnh vô hình của kinh tế thị trường, nắm bắt các xu thế toàn cầu, đặc biệt là hội nhập quốc tế, và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân là những lựa chọn chiến lược có tính sống còn; chúng quyết định một quốc gia có thể tiến lên hay sa sút, tiến lên bao xa hay sa sút đến mức nào.

Trụ cột thứ hai là hệ thống luật pháp và thiết chế. Nó cần rõ ràng, minh bạch, bảo đảm công lý, trách nhiệm giải trình của cơ quan thực thi, và thể hiện rõ ý chí đem lại lợi ích cho người dân và toàn xã hội. Trụ cột này có tác động trực tiếp đến lòng tin của người dân và trật tự xã hội.

Trụ cột thứ ba là bộ máy công quyền (BMCQ). Trụ cột này có vai trò nòng cốt và động lực thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng của quản trị quốc gia. Hiệu lực của BMCQ dựa trên bảy yếu tố lớn: (i) Tầm nhìn và chiến lược hành động;

(ii) Cấu trúc tổ chức và quy trình ra quyết định; (iii) Cán bộ chủ chốt và trách nhiệm giải trình; (iv) Cơ chế khuyến khích đãi ngộ và đánh giá kết quả công việc; (v) Chất lượng cán bộ chuyên gia và nỗ lực đào tạo, thu hút người tài; (vi) Mối gắn kết với dân và doanh nghiệp trong hoạch định và thực thi chính sách; và (vii) Khả năng không ngừng đổi mới và thích nghi với đổi thay.

Trụ cột thứ tư là các điều kiện khuyến tạo cho thúc đẩy phát triển bao trùm và tăng năng suất. Trụ cột này bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Đặc biệt là, giao thông công cộng, hạ tầng viễn thông, hệ thống giáo dục, nhà ở

xã hội, môi trường xanh-sạch giúp người dân được thụ hưởng bình đẳng các thành quả phát triển. Trong khi đó, năng lực đổi mới sáng tạo, hệ thống tài chính, hạ tầng logistics, và các hiệp ước thương mại tự do giúp các doanh nghiệp không ngừng tăng sức cạnh tranh và năng suất.

Trụ cột thứ năm là các thiết chế đảm bảo cho tiếng nói của người dân luôn được lắng nghe và các mối gắn kết xã hội, đặc biệt là giữa trí thức và lãnh đạo, giữa doanh nghiệp và chính phủ, giữa người dân và BMCQ, thực sự sâu sắc và thôi thúc hướng tới khát vọng dân tộc. Trụ cột này là tiền đề tạo nên sức mạnh tổng lực của một quốc gia.

Nâng cao chất lượng quản trị quốc gia

Sau gần bốn thập kỷ kể từ khi công cuộc Đổi Mới được khởi đầu vào năm 1986, Việt Nam đã đi những bước dài trong công cuộc phát triển. Những thành quả ấn tượng có được từ sự nghiệp Đổi Mới gắn liền với sự tiến bộ vượt bậc của nền quản trị quốc gia, đặc biệt là ở trụ cột thứ nhất: giữ vững ổn định chính trị, khai thác sức mạnh tiềm tàng của cơ chế thị trường, nắm bắt nhạy bén và quả cảm các xu thế thời đại, đặc biệt là toàn cầu hóa, và thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, trên bốn trụ cột còn lại của quản trị quốc gia, tiến bộ của Việt Nam còn khá hạn chế; đặc biệt là nỗ lực xây dựng các thiết chế nền tảng cho một nền kinh tế có hiệu năng cao và một BMCQ ưu tú với năng lực kiến tạo phát triển xuất sắc. Điều đáng lưu ý là nếu Việt Nam không nỗ lực mạnh mẽ nâng cao bốn trụ cột còn lại này, trụ cột thứ nhất sẽ giảm dần sức mạnh tiềm tàng mà nó đã tạo ra trong bốn thập kỷ đổi mới vừa qua. Khi đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ “già trước khi giàu” trong ba thập kỷ tới và sẽ khó có thể thực hiện thành công tầm nhìn 2045, đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập.

bai so 21 3.jpg

Ba hướng chiến lược lớn cho nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị quốc gia cần phải được đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, nỗ lực này phải được coi là đặc biệt cấp thiết nhằm vượt qua những thách thức cốt tử đang làm chậm lại hành trình của dân tộc trên hành trình đi đến phồn vinh. Nếu chúng ta chỉ thiên lệch về tăng trưởng kinh tế và coi nhẹ nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, nền kinh tế khó có thể tăng nhanh như mong đợi, thậm chí bị chậm lại do thiếu sự tiến hóa cấp thiết về thiết chế quản trị. Trong nỗ lực này, lòng dân và sức mạnh cộng hưởng của toàn xã hội là động lực tiềm tàng và kho báu vô giá cần được khơi dậy và huy động tối đa.

Thứ hai, nỗ lực này cần ý thức rất cao tinh thần khai sáng, căng tầm mắt đại bàng của tư duy để nắm bắt xu thế thời đại, hấp thu tinh hoa nhân loại, và học hỏi kinh nghiệm hay nhất của quốc tế. Khi đó, mỗi thiết chế, chính sách, hay sáng kiến phát triển được ban hành đều thể hiện sâu sắc khả năng kiến tạo giá trị mà nó mang lại và cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong cộng đồng thế giới về năng lực quản trị quốc gia.

Thứ ba, xây dựng BMCQ ưu tú cần được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu, là một “trận Điện Biên Phủ” có khả năng tạo nên bước ngoặt kỳ vĩ cho công cuộc phát triển. Bên cạnh nỗ lực chung cho cả nước, việc thí điểm xây dựng 

BMCQ ưu tú cho TP.HCM và Hà Nội nên được sự hỗ trợ đặc biệt của Trung ương và cả nước.

Ý chí quả cảm trong khai phá con đường phát triển cho đất nước của hệ thống chính trị và nỗ lực quyết liệt và thích ứng nhạy bén trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ trong bốn thập kỷ đổi mới, đặc biệt là trong mấy năm qua, đã và đang mở ra những cơ hội vô giá để Việt Nam đẩy nhanh công cuộc phát triển.

Tuy nhiên, để tạo nên những bước tiến kỳ vĩ trong sự nghiệp này, Việt Nam phải có những nỗ lực phi thường để vượt qua những thách thức cốt tử khi dốc sức nắm bắt cơ hội. Nếu thiên lệch về cơ hội mà bỏ qua thách thức, nguồn lực sẽ không được phân bổ tối ưu, năng lực không phát huy được ở cường độ cao nhất, và nỗ lực cá nhân không tạo nên sức cộng hưởng tiềm tàng từ sức mạnh tổng lực. Nâng cao năng lực quản trị quốc gia là phương cách căn bản và lâu bền nhất giúp Việt Nam không chỉ vượt qua các thách thức cốt tử một cách căn bản mà còn nắm bắt các cơ hội to lớn phía trước với sức mạnh phi thường.

Ba năm tới sẽ là những thử thách chiến lược, cho thấy Việt Nam có thể thành công hay không trong nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và đặt nền tảng vững chắc cho đất nước đi đến tầm nhìn về một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Nếu chúng ta chỉ thiên lệch về tăng trưởng kinh tế và coi nhẹ nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, nền kinh tế khó có thể tăng nhanh như mong đợi, thậm chí bị chậm lại do thiếu sự tiến hóa cấp thiết về thiết chế quản trị. Trong nỗ lực này, lòng dân và sức mạnh cộng hưởng của toàn xã hội là động lực tiềm tàng và kho báu vô giá cần được khơi dậy và huy động tối đa.