Trong đó, dân tộc Bru-Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa cô...
Trước đây, dân tộc Chứt có đời sống tinh thần khá phong phú, họ có một số nhạc cụ truyền thống như: đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc... có điệu dân ca Kà tưm, Kà lềnh và nhiều chuyện kể về buổi khai thiên lập địa, về sự sinh ra của các dân tộc trong vùng... Tuy nhiên, hiện nay, các làn điệu dân ca mai một dần, ít người biết đến; các loại nhạc cụ không còn, do không có người chế tác...
Đối với người Bru - Vân Kiều thì yêu văn nghệ và có vốn văn nghệ cổ truyền quý báu. Nhạc cụ của người Vân Kiều có nhiều loại: trống, thanh la, chiêng núm, kèn (amam, ta-riêm, khơ-lúi, pi), đàn (achung, pư-kua...); và có nhiều làn điệu dân ca khác nhau như: chà chấp, hát sim… Người Vân Kiều cũng có ca dao, tục ngữ, truyện cổ các loại rất phong phú.
Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng. Nhằm góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, các địa phương ở Quảng Bình đã có những hoạt động như thành lập các đội văn nghệ để tham gia, phục những hoạt động văn hoá của dân tộc bình.
Nhằm bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của người Bru-Vân Kiều sinh sống dọc Trường Sơn, cuối năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh tổ chức lớp tập huấn xây dựng CLB sinh hoạt văn hoá dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm mục đích bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của người Bru-Vân Kiều; đồng thời truyền đạt kiến thức tổng quan về các làn điệu dân ca Bru-Vân Kiều; hướng dẫn cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống; kỹ năng hát, múa các làn điệu dân ca của người Bru-Vân Kiều.
Mới đây, tại huyện Bố Trạch, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Arem (dân tộc Chứt) nhằm truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể như tiếng nói, nghệ thuật trình diễn dân gian (múa, hát), nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian,… của đồng bào Arem cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng Arem hiện đang sinh sống trên địa bàn xã Tân Trạch.
Và mới đây nhất, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn cho những người đại diện các huyện, xã có đồng bào DTTS, miền núi cùng các già làng, trưởng bản… về công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình.
Mục đích là nhằm trang bị cho học viên những kiến thức quan trọng công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; giúp học viên hiểu rõ hơn về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc; công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi Quảng Bình.