Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó.

Thời gian quá trình triển khai phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Chăn nuôi trâu bò ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, theo hình thức chăn thả; tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm trong năm 2021 đạt thấp (lở mồm long móng chỉ đạt 36,9% so với kế hoạch).

{keywords}
Ảnh minh họa

Để sớm vượt qua khó khăn và hướng tới mục tiêu xây dựng ngành chăn nuôi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của tỉnh đã được xây dựng với các nội dung cụ thể sau đây:

Về chăn nuôi lợn: Phát triển đàn lợn ở quy mô hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, công nghiệp với các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao ở những nơi có điều kiện về đất đai; đồng thời từng bước phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống lợn ngoại với giống bản địa. Đến năm 2030, tổng đàn lợn đạt 370.000 con, trong đó đàn lợn nái 40.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 48.000 tấn

Về chăn nuôi trâu, bò: Đẩy mạnh phát triển đàn bò cả về số lượng và chất lượng theo hướng Zebu hóa và bò lai hướng thịt chất lượng cao; phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh ở những vùng có lợi thế. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi bò. Phấn đấu đến năm 2030, tổng đàn bò đạt 120.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai chiếm 70 - 75%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 11.000 tấn. Duy trì và ổn định đàn trâu với số lượng 32.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 1.500 tấn.

Về thức ăn chăn nuôi: Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp như: bã men bia, bã sắn, tiết và phụ phẩm lò mổ, vỏ đầu tôm,...

Về kiểm soát dịch bệnh: Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

Về giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến và chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi làm tăng sức mua trong tỉnh, trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm: Kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm.

Về kiểm soát môi trường: Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...

Tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi tỉnh ta trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khống chế và kiểm soát tốt các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người; các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất từ các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; trên 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hoá được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 60% sản phẩm chăn nuôi được qua sơ chế, chế biến, trong đó khoảng 25% sản phẩm được chế biến sâu.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp cụ thể, quan trọng về: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi (Chính sách về đất đai, chính sách tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền), nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và môi trường chăn nuôi; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.

Bên cạnh đó, các Dự án ưu tiên được sẽ xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 là: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là cơ sở, căn cứ quan trọng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tỉnh ta trong giai đoạn mới.