Đưa nước sạch, ánh sáng về vùng biên, giúp dân xoá đói giảm nghèo

Sau đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020, trước nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét đe dọa, toàn bộ 34 gia đình đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã được hỗ trợ chuyển đến địa điểm mới. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, tổ chức tái định cư, giao đất cho các hộ gia đình ở vị trí mới, đặc biệt là sự góp sức của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình), đến nay, bản Sắt đã có một diện mạo mới.

W-bru-van-kieu-18-1.jpg
Từ ngày có nước sạch về tận bản, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã trồng được lúa nước và ổn định cuộc sống. 

Ngoài đóng góp hàng trăm ngày công để dựng nhà, sắp xếp nơi ăn chốn ở mới cho bà con, vì đường lưới điện quốc gia chưa được kéo về bản nên Đồn Biên phòng Làng Mô đã huy động nguồn lực đầu tư công trình “Ánh sáng vùng biên” là hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho bản.

Bước chân vào bản Sắt sẽ thấy hai dãy nhà sàn, mái lợp tôn xanh, nối dài từ đầu đến cuối bản. Ngước nhìn lên cao sẽ thấy hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Nhờ đó, không chỉ ngõ xóm mà nhà văn hoá, trường học… trong bản đều có điện chiếu sáng giúp bà con thuận lợi trong sinh hoạt và đi lại.

Ở xã Trường Sơn, ngoài bản Sắt thì bản Cổ Tràng cách trung tâm xã khoảng 10km, là nơi sinh sống của 83 hộ với 364 nhân khẩu, 100% bà con là người đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. 

Ông Nguyễn Văn Bền, Trưởng bản Cổ Tràng kể, cách đây hơn 20 năm, tận dụng các nguồn nước, bà con trong bản cũng trồng lúa nước, nhưng sau đó do thiếu nước khiến đất đai khô cằn, bà con trong bản đành bỏ trồng lúa chuyển sang trồng sắn, ngô. Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất mà nước sinh hoạt cũng khan hiếm nên cuộc sống của bà con dân bản đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn. Hiện nay, bản Cổ Tràng vẫn còn có 69 hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Thấu hiểu được những khó khăn của bà con dân bản, Đồn Biên phòng Làng Mô xác định, việc giúp đỡ bà con dân bản Cổ Tràng xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi bà con có ổn định cuộc sống thì an ninh biên giới mới được đảm bảo, thế trận lòng dân mới được củng cố vững chắc.

Một trong những việc đầu tiên Đồn Biên phòng Làng Mô bắt tay vào làm đó là đưa nước về phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng, có như vậy thì bà con mới trồng được lúa nước và đảm bảo đủ lương thực để sống.

Sau khi khảo sát các nguồn nước hiện có tại bản, đồng thời huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất, Đồn Biên phòng Làng Mô đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào xây dựng công trình đường nước với chiều dài 1km. Công trình hoàn thành bảo đảm nước sạch sinh hoạt và nước phục vụ cho bà con bản Cổ Tràng sản xuất lúa nước.

Sau một thời gian thì công trình nước sạch cũng hoàn thành, và dòng nước mát lành đầu tiên chảy xối xả vào cánh đồng khiến bà con dân tộc Bru-Vân Kiều reo vui khôn tả. Nước về bản không chỉ phục vụ sinh hoạt và còn giúp bà con khôi phục lại việc trồng lúa nước, đem lại mùa màng bội thu.

Điều đáng nói là, sau thành công với công trình nước sạch ở bản Cổ Tràng, Đồn Biên phòng Làng Mô tiếp tục triển khai xây dựng 8 công trình nước sạch tại các bản ở xã Trường Sơn.

 Không chỉ xây dựng hệ thống nước sạch, từ năm 2020, Đồn Biên phòng Làng Mô triển khai xây dựng được 16 công trình hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời có chiều dài 16,2km tổng trị giá 815 triệu đồng phục vụ ánh sáng cho bà con trong xã Trường Sơn.

Để giúp bà con canh tác thuận lợi, Đồn Biên phòng còn hỗ trợ bà con 1 máy cày ruộng, 2 máy tuốt lúa và 3 bộ lồng gặt lúa. Vừa hướng dẫn bà con cách làm đất, gieo mạ, cấy lúa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô vừa xắn tay lội ruộng thu hoạch mùa mang cùng bà con dân bản.

Đến nay, toàn xã Trường Sơn được Đồn Biên phòng Làng Mô đã hỗ trợ 26 máy cày, xay xát, nghiền trị giá hơn 226 triệu đồng cho các thôn, bản thông qua mô hình “Tiếng máy vùng biên”; xây 9 căn nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 920 triệu đồng; xây 33 “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; triển khai mô hình trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, giúp bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở biên giới Trường Sơn ổn định cuộc sống và cùng chung sức bảo vệ biên cương Tổ quốc.

W-bru-van-kieu-16-1.jpg
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nên cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường trạm đã và đang được nâng cấp; thu nhập và điều kiện sống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ngày càng được cải thiện. 

Phấn đấu để Trường Sơn trở thành xã nông thôn mới vào năm 2025

Xã Trường Sơn là xã miền núi giáp biên giới của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên gần 77.430ha, với tổng dân số 1.144 hộ, 4.841 nhân khẩu phân bố rải rác ở 19 thôn, bản, trong đó đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều có 677 hộ, 2.993 khẩu, chiếm 58,6% dân số trong toàn xã. Cuộc sống của bà con cơ bản phụ thuộc vào sản xuất nông- lâm nghiệp và tận thu sản phụ từ rừng nên còn gặp khó khăn. 

Trường Sơn Tuy xa trung tâm hành chính huyện nhưng nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, nên nhiều năm qua xã đã nhận được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, mặc dù đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn song chính quyền địa phương và nhân dân trong xã quyết tâm sẽ hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành xã nông thôn mới vào năm 2025. 

Hiện nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 16/16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đối với 2 thôn đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, xã còn 475 hộ nghèo, chiếm trên 38% tổng số hộ.

Theo đánh giá của huyện Quảng Ninh, Trường Sơn là một trong 2 xã có số tiêu chí thấp nhất huyện. Vì vậy, để đạt được mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra, xã Trường Sơn cần sự nỗ lực rất lớn.

Những năm gần đây, Trường Sơn đã phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp đổi mới; bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có sự chuyển biến tích cực. 

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có bước phát triển, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân được nâng lên; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng được người dân hưởng ứng tích cực. Cảnh quan môi trường sạch đẹp, trật tự xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. 

Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường trạm đã và đang được nâng cấp; thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện. Công tác xóa đói giảm nghèo bền vững hơn, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện. 

Nhờ sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã hỗ trợ máy móc, hỗ trợ nhân lực và tuyên truyền, hướng dẫn bà con thay đổi sản xuất, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp triển khai trên địa bàn được người dân áp dụng rộng rãi để làm tăng năng suất, hiệu quả; vì vậy từ chỗ thiếu đói nhiều hộ đã tự túc được lương thực; hàng trăm lượt người được xuất khẩu lao động làm cho thu nhập nhiều hộ tăng lên đáng kể. Đây cũng là một trong những yếu tố góp sức giúp Trường Sơn đạt được quyết tâm về đích nông thôn mới vào 2025.

Báo cáo của Đảng bộ xã Trường Sơn cho thấy, tính đến hết năm 2022, tổng giá trị sản xuất từ các loại cây trồng trong toàn xã đạt 61 tỷ đồng; giá trị thu nhập từ chăn nuôi đạt 28 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 1,2%. Đến nay, xã Trường Sơn đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 75,6%, có 5 thôn, bản, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa 5 năm liên tục. Xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đạt chuẩn phổ cấp giáo dục mức độ 3 ở 3 cấp học; có 1 trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Với những kết quả trên, tới năm 2025, chắc chắn xã biên giới Trường Sơn sẽ đạt được mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV