Là sinh viên giỏi nhưng khi ra trường, NSND Hoàng Dũng chỉ nhận được những vai 'vác kiếm chạy qua vác đao chạy lại' trong khi các bạn cùng trang lứa đều có vai chính cả. NSND Hoàng Dũng bảo, đó là quãng thời gian cay đắng nhất của anh.

Vừa nhận quyết định ngày 1/1/2017 tới sẽ chính thức nghỉ hưu nhưng NSND Hoàng Dũng khẳng định vẫn tham gia hoạt động nghệ thuật cho tới khi nào không thể. Anh  dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn riêng để chia sẻ những thành công và cả thất bại trên con đường nghệ thuật của mình.

{keywords}
NSND Hoàng Dũng sẽ thôi giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch HN từ 1/1/2017

- Chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2017 sau nhiều năm gắn bó với sân khấu và phim ảnh. Cả chặng đường dài theo đuổi nghệ thuật, đến giờ phút này, thành công lớn nhất của anh là gì?

Ai cũng thế, trong cuộc đời và sự nghiệp ai cũng trải qua những sự thất bại, có chút gì thành công cũng phải trải qua những thất bại đôi khi là rất đau đớn. Tôi cũng vậy, để có chút thành công như ngày hôm nay, ngoài nghị lực cũng phải có tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật không ngừng nghỉ. Nếu chỉ nghiến răng bằng nghị lực để vượt lên mà không có tình yêu với nghệ thuật thì sự cố gắng đó tôi nghĩ nó không được nuôi dưỡng một cách lâu bền.

Tôi cũng chưa thể nói là tôi thành công nhưng có lẽ thành tích cao nhất tôi nhận được cho tới thời điểm này là danh hiệu NSND mà năm 2006 Nhà nước đã vinh danh tôi.

Tôi tự hào vì danh hiệu này bởi nó rất đặc biệt. Trước đây, NSND Trần Hoàn được phong danh hiệu NSND lúc cụ đã rất già rồi. Thời điểm đó, các đoàn nghệ thuật trực thuộc UBND TP Hà Nội chưa có một ai được phong danh hiệu NSND, tôi là người duy nhất ở thời điểm đó. Và cho tới 2 lần xét duyệt sau đó cũng chưa ai có danh hiệu này. Thêm vào đó, tôi cũng là người đạt danh hiệu cao quý này khi mà năm công tác còn khá dài.

- Vinh quang là vậy, có lúc nào anh cảm thấy đau đớn ê chề với nghề chưa?

Năm 1981, Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang có dựng vở "Bản tình ca màu xanh". Anh Giang có dựng cho tôi một đoạn và yêu cầu tôi phải 'tố' nó lên. Tôi cứ suy nghĩ mãi, một nhân vật thâm nho như thế, nói kích bác người này người kia như vậy, một nhân vật dị như vậy mà 'tố' thì được cái lợi là hài hước, vui nhộn nhưng nó cứ sao sao, không đúng với nhân vật. 

Tôi mà làm tôi làm thành 2 nhân vật nhưng mà tuổi trẻ tôi không dám cãi. Thế là tôi cứ co lại, mà lần nào co nhân vật lại là lần đó tôi bị mắng. Và thậm chí sau buổi nhận xét tại sân khấu, NSND Doãn Hoàng Giang có nói rằng: Trong một đoàn nghệ thuật nghệ thuật thì phải có vua, có em vua, không phải ai cũng làm vua đâu. Trong một đoàn nghệ thuật có người đóng vai chính, có người đóng vai phụ, phải biết lượng sức mình. Thánh có cho ăn lộc hay không mới được. Nghe đến thế, tôi buồn lắm.

Tôi suy nghĩ mãi, ngày đi học tôi như là cánh chim đầu đàn. Ra trường các bạn được nhận những vai có thoại, có lớp diễn, đến nhà hát tôi luôn chỉ nhận được những vai quần chúng, vác kiếm chạy qua vác đao chạy lại, tốp ăn theo dạ dạ vâng vâng, gật gật gù gù. Tôi quyết tâm cố gắng thay đổi. Sau này khi ngồi cùng anh Giang, tôi có nhắc lại mấy câu anh nói, không rõ là anh quên hay như thế nào nhưng anh Giang cứ nói tôi "điêu". Quãng thời gian cay đắng đã đi qua nhưng tôi tin vào sự cố gắng và phải thực sự yêu nghề mới có thể thành công.

- Có vai diễn nào khiến anh tiếc nuối, chưa thành công và nếu được làm lại anh sẽ làm tốt hơn?

Không phải một vài vai diễn đâu mà tất cả những vai diễn của tôi ấy chứ. Sau đêm diễn, tôi đều nói 'giá như', giá như cho tôi làm lại, tôi làm tốt hơn vai diễn vừa diễn xong. Ít khi tôi thoả mãn với mình. Ở tuổi này rồi, quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của tôi cũng nhiều, nghe khen cũng nhiều rồi. Có khi người ta khen thật, có người khen động viên. Nhưng tôi luôn tỉnh táo trước những lời khen ngợi.

Lúc còn trẻ, tôi cũng nhận được nhiều lời chê lắm. Tôi hiểu rằng người ta chê mình vì mình còn non. Người đi trước đương nhiên họ nhìn được cái khiếm khuyết mà mình phải phấn đấu nhiều lên mới bù lại được.

Năm 2004, sau vở diễn "Cát bụi" tôi được huy chương vàng, tôi có dùng một đạo cụ là cái bật lửa nhưng nó rất xịn. Một sinh viên có bảo rằng: Thầy ơi, sao nhân vật đó lại dùng cái bật lửa xịn thế? Và tất nhiên, lần sau tôi rút kinh nghiệm dùng những chiếc bật lửa bớt xịn hơn. Cũng có nhiều sinh viên của tôi khi dựng vở, họ cũng có ý kiến rằng: Thầy ơi, anh ơi chỗ này theo em nên làm thế này, thế kia,...Tôi cũng tiếp thu và hẹn vài hôm trả lời. Có ý kiến tôi thấy đúng và thử làm theo, nhưng cũng có ý kiến tôi phản biện lại,...

{keywords}

NSND Hoàng Dũng -vai Bá Nhỡ trong vở 'Tiếng đàn vùng Mê Thảo'.

Hoặc khán giả xem, họ chê, có lúc họ chê đúng, có lúc tôi cảm thấy sai. Tôi cũng phải suy nghĩ rằng, thế có nghĩa là mình vẫn chưa thành công, để họ chê sai là họ chưa hiểu mấy, tôi lại tìm cách thay đổi. Có một bạn hay xem vở diễn của tôi, mấy lần sau vở diễn bạn ấy đều khen tôi, tự nhiên mấy lần sau đó bạn ấy xem chỉ cười, không nói gì cả. Linh cảm của người nghệ sĩ thúc tôi phải hỏi bạn đó: "Mày không thích chú diễn đoạn nào, nói chú nghe xem...", kiểu kiểu thế. Tôi chủ động hỏi nếu người ta ngại chê.

Có nghĩa là tôi rất cầu toàn. Tôi không chỉ cầu toàn với bản thân tôi, tôi cầu toàn với vở diễn của mình và cầu toàn với cả diễn viên của tôi. Tôi luôn trân trọng mọi ý kiến của khán giả, học trò của mình để có vở diễn hoàn hảo.

{keywords}

NSND Hoàng Dũng sẽ trở lại màn ảnh với vai chính trong phim 'Người phán xử' lên sóng tháng 3/2017.

- Với tư cách là nghệ sĩ, lại làm quản lý nghệ thuật nhiều năm nay, anh thấy để nền kịch nghệ tươi sáng hơn cần thiết phải làm gì? Anh còn điều gì trăn trở khi rời cương vị Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội?

Tôi thấy rằng nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Nói như vậy thì lại bảo là không riêng gì nghệ thuật, các ngành khác cũng thế nhưng đúng là Nhà nước nên quan tâm tới lĩnh vực nghệ thuật nói chung. 

Tôi muốn giữ thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội, khán giả đến Nhà hát Kịch Hà Nội xem những vở chính kịch có chất lượng, những vở diễn đầy tình người. Tôi không muốn ăn một bát phở có nhiều rau, rau tôi nghĩ dành cho bún. Tôi muốn khán giả biết tới Nhà hát Kịch Hà Nội như biết tới món phở Bắc. Và tôi muốn giữ Nhà hát kịch Hà Nội như người ta vẫn đang giữ nét tinh tuý của phở Bắc.

- Nhưng người kế nhiệm của anh, NSND Trung Hiếu được đánh giá là người đa zi năng, kiểu 'nhạc nào cũng nhảy', hài kịch, chính kịch,... anh ấy đều tham gia hết, khác hẳn anh 'cố thủ' với chính kịch từ đầu tới giờ. Anh có lo Tung Hiếu sẽ không giữ được chất của Nhà hát như anh mong muốn?

Tôi không nghĩ Hiếu sẽ làm vậy. Hiếu có thể làm nhiều thứ bên ngoài, cũng là để mưu sinh thôi chứ còn Nhà hát tôi biết, Hiếu là người thận trọng. Tôi tin Hiếu sẽ giữ vững được tôn chỉ của Nhà hát.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Tình Lê