Thông tin đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 9/7.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh Thảo cho biết, tại kỳ họp thứ 24 diễn ra từ ngày 10-12/7, HĐND tỉnh dự kiến sẽ thảo luận, xem xét thông qua quy định mức thu “0 đồng” đối với 13 khoản phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân.
Theo bà Thảo, trước đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết miễn giảm 50% và 80% tùy theo mức thu phí, lệ phí. Tuy nhiên, thực tế thì tỷ lệ nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có tăng so với trước nhưng chưa cao.
Nhằm tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào việc sử dụng DVCTT, góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức thu “0 đồng” đối với 8 khoản phí và 5 khoản lệ phí khi thực hiện DVCTT.
Trong đó, 8 khoản phí “0 đồng” gồm: Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí đăng ký biện pháp bảo đảm; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.
5 khoản lệ phí “0 đồng” gồm: Lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí cấp giấy phép xây dựng; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất và lệ phí hộ tịch.
Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết thêm, trong năm 2023, tổng thu các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh là hơn 9 tỷ đồng (chỉ chiếm 0,03% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh). Trong đó, phí DVCTT gần 6 tỷ đồng và lệ phí DVCTT hơn 3 tỷ đồng.
“Nguồn thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh đối với DVCTT nộp ngân sách hằng năm là không lớn so với tổng thu ngân sách tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện mức thu phí, lệ phí “0 đồng” đối với DVCTT ảnh hưởng không đáng kể đến thu ngân sách tỉnh”, bà Thảo khẳng định.
Được biết, trong quý II/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 113.695 hồ sơ TTHC, trong đó có 105.344 hồ sơ mới tiếp nhận và 8.351 hồ sơ từ kỳ trước chuyển qua. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm 73,2%; hồ sơ trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính chiếm 26,7%.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.189 DVCTT toàn trình và 578 dịch vụ công một phần. Hiện, Quảng Nam đã tích hợp 1.248 dịch vụ công vào Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong những tháng cuối năm 2024, địa phương sẽ tiếp tục triển khai Đề án 06 trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Tập trung đánh giá, phân tích chuyên sâu kết quả thực hiện nhằm cải thiện, nâng cao kết quả đối với các chỉ số: PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI). Đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành.
Theo số liệu được trích xuất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tính đến ngày 9/7, Quảng Nam xếp vị trí 18/63, đạt 80,2 điểm, xếp loại tốt (bình quân cả nước 73,7 điểm). Trong đó, chỉ số công khai, minh bạch đạt 13,4/18 điểm, tăng 0,3 điểm. Tiến độ giải quyết 18,3/20 điểm, tăng 0,1 điểm. Dịch vụ công trực tuyến đạt 7,8/12 điểm (bình quân cả nước là 6,3 điểm). Mức độ hài lòng tỉnh đạt 17,6/18 điểm (bình quân cả nước là 17,5 điểm). |
Nguyễn Nam