Kiểm soát từng tàu

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam Võ Văn Long thông tin, đến ngày 7/11, số lượng tàu cá toàn tỉnh là 1.794 chiếc; trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 646 chiếc (41 tàu có chiều dài từ 24m trở lên), tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 729 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 419 chiếc.

“100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Tổng số tàu cá từ 15m trở lên phải lắp giám sát hành trình là 646 tàu. Số tàu cá đã lắp là 641 (chiếm tỷ lệ 99,2%); số tàu cá chưa lắp là 5 (chiếm tỷ lệ 0,8%)”, ông Long nói.

W-3q2a0472-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra tại tỉnh Quảng Nam giữa tháng 9.

Cũng theo ông Long, tỉnh Quảng Nam có hai cảng loại II là cảng An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) và cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành). 100% lượt tàu cá cập cảng, rời cảng tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh được kiểm soát; sản lượng thủy sản khai thác lên hàng qua cảng đều được giám sát, kiểm tra, lập hồ sơ đúng theo quy định, đảm bảo phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác qua cảng.

Văn phòng IUU của tỉnh được thành lập, gồm 3 lực lượng Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá Quảng Nam; nhằm thực hiện kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ tất cả các ngày để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chống khai thác IUU; kiểm tra, kiểm soát tàu cập cảng, rời cảng theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính. 

Lực lượng này cũng thường xuyên tra cứu thông tin tàu cá cập cảng cá trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia, cơ sở dữ liệu Vnfishbase, danh sách tàu cá khai thác IUU do Bộ NN-PTNT công bố; kịp thời phát hiện và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý tàu cá vi phạm.

Năm 2022, địa phương xác nhận 10 Giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản xác nhận gần 301 tấn.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xác nhận 6 Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản xác nhận 407,5 tấn.

Xử lý kịp thời

Với nhiều giải pháp quyết liệt, như phối hợp tuyên truyền, xử phạt vi phạm hành chính, kêu gọi các tàu cá đang khai thác giáp ranh giới cho phép khai thác trên biển nhanh chóng rời xa vùng nguy hiểm... do vậy, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam chỉ có 1 tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị Thái Lan bắt giữ ngày 14/3/2021, đã bị xử phạt và tịch thu tàu.

W--q2a0229-1.jpg
Ngư dân đang thực hiện đúng các quy định nhằm hướng đến gỡ "thẻ vàng" IUU.

Năm 2022 và 2023, tỉnh Quảng Nam chưa có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.

Tuy nhiên, ngày 11/6/2022, tàu cá QNa-95005-TS do ông Trần Văn Mạnh làm chủ khi đang hoạt động khai thác thủy sản trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển của tàu cá Việt Nam thì bị Cảnh sát biển Malaysia bắt giữ cùng với thuyền trưởng và 42 ngư dân. Với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao và thực hiện các biện pháp để bảo hộ công dân, ngư dân trên tàu cá đã về nước an toàn. 

“Ngoài ra, một số tàu cá trong quá trình khai thác thủy sản đã vô tình vượt ra ngoài ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển. Lực lượng chức năng đã thông báo ngay cho các chủ tàu/thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm nhanh chóng rời khỏi vùng biển thuộc khu vực cảnh báo và quay về vùng biển Việt Nam”, ông Long chia sẻ.

Khắc phục những khó khăn

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam còn vướng một số tồn tại, như việc giám sát sản lượng hải sản khai thác qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng trên toàn tỉnh do cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ hải sản chưa đảm bảo (khu vực phía Bắc không có cảng chỉ định) nên sản lượng khai thác từ tàu cá xuất nhập qua cửa biển Cửa Đại - Hội An vẫn chưa được giám sát.

Công tác kiểm tra nhật ký khai thác, xác nhận nguồn gốc thủy sản vẫn chưa sát thực tiễn do thiếu cán bộ chuyên môn về khai thác thủy sản.

Do đó, tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị với Bộ NN-PTNT trong việc tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho những tàu cá đang khai thác thủy sản trong vùng ranh giới cho phép trên vùng biển Việt Nam mà bị nước ngoài bắt giữ, giúp ngư dân yên tâm bám biển; tham mưu Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá với Philippines, trong đó cho phép tàu câu mực khơi (mực xà) được khai thác tại một số vùng biển khơi của nước bạn; sớm ban hành tiêu chuẩn thiết bị nhật ký điện tử và các quy định liên quan...

Với Bộ Ngoại giao, cần hướng dẫn ranh giới được phép khai thác tại các khu vực biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước để vừa đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển, vừa hạn chế tình trạng tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.

Trần Thường và nhóm PV, BTV