UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch số 3220 triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo kế hoạch, Tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai ở tất cả thôn, khối phố thuộc 241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tùy theo đặc thù, mỗi thôn/khối phố có ít nhất 1 Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Tổ công nghệ số cộng đồng do Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập. Mỗi tổ có ít nhất 4 thành viên với lực lượng nòng cốt là đoàn thanh niên; các thành viên khác có thể gồm cán bộ cấp xã, lực lượng công an, trưởng thôn/khối phố, đảng viên, Mặt trận, hội nông dân…
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân - là "cánh tay nối dài" của Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.
Các mục tiêu cụ thể về triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng hướng đến: 100% thôn/khối phố có Tổ công nghệ số cộng đồng; 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn về cách thức triển khai nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho với người dân; 80% số hộ gia đình trong thôn/khối phố thuộc xã/phường/thị trấn được Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn triển khai cài đặt các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Ngoài ra, có 50% số hộ gia đình trong thôn/khối phố thuộc xã/phường/thị trấn có thành viên cài đặt app công dân số (Smart Quảng Nam); 50% số hộ gia đình trong thôn/khối phố thuộc xã/phường/thị trấn có thành viên có tài khoản thanh toán điện tử; 30% số hộ gia đình trong thôn/khối phố thuộc xã/phường/thị trấn có thành viên có chữ ký số.
Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; cài đặt, ứng dụng hiệu quả ứng dụng công dân số tỉnh; phối hợp với Tổ đề án 06 các cấp triển khai Đề án 06…
Việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn/khối phố nhằm triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng thôn/khối phố, hộ gia đình, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Sở TT&TT Quảng Nam chủ trì hướng dẫn khung nội dung chương trình tập huấn nghiệp vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng. UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, các DN công nghệ số và đơn vị có liên quan tập huấn trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn.
Ngày 9/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, lấy ý kiến đối với quy định về TTHC, các phương án đơn giản hóa TTHC cho 150 cán bộ các huyện Tiên Phước, Nam Trà My và Bắc Trà My.
150 cán bộ được thông qua các chuyên đề như nội dung, nhiệm vụ cơ bản của công tác kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hướng dẫn giải đáp các vướng mắc trong quá trình sử dụng hệ thống, phần mềm liên quan đến giải quyết TTHC; Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC.
Quảng Nam xếp thứ 16 về Chỉ số Xanh cấp tỉnh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023. Theo kết quả công bố này, PCI 2023 Quảng Nam tăng điểm, nhưng không nằm trong Top 30 tỉnh thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước (năm 2022 Quảng Nam nằm trong Top 30). So với năm 2022, tổng điểm 10 chỉ số là 67,04/66,62 điểm, tăng 0,42 điểm. Về kết quả Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Quảng Nam tăng điểm và thăng hạng với tổng số 22,84 điểm, xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh thành. So với năm 2022, PGI Quảng Nam tăng 7,75 điểm và tăng 9 bậc (từ vị thứ 25 lên 16). Trong đó có 3 chỉ số thành phần tăng điểm: giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai (6,71/3,45 điểm); đảm bảo tuân thủ (7,27/5,23 điểm); chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ (4,95/2,32 điểm) và 1 chỉ số thành phần giảm điểm là thúc đẩy thực hành xanh (3,91/4,08 điểm). |
An Nhiên