Ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa ký công điện về việc tăng cường ứng phó bão số 5 và mưa lũ.
Theo đó, do ảnh hưởng của bão Côn Sơn, 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, có nơi mưa to, đến mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-150mm.
Người dân đang gia cố bờ biển Cửa Đại chuẩn bị ứng phó bão số 5 sáng 11/9 |
UBND tỉnh cảnh báo việc nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và một số xã miền núi của huyện Núi Thành.
Nguy cơ xảy ra ngập úng tại TP Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước và thị trấn Núi Thành.
Ông Bửu gia hạn đến 17h cùng ngày các địa phương phải kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
UBND tỉnh cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên ra đường từ 20h ngày 11/9 cho đến khi bão tan.
Tại Quảng Nam, mưa lớn kèm gió giật mạnh bắt đầu xuất hiện trên toàn địa bàn...
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có công điện khẩn gửi các đơn vị chức năng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác ứng phó với bão, cần khẩn trương triển khai các nội dung:
Triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng. Riêng huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12h trưa nay (11/9) để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Các huyện Lý Sơn, Binh Sơn, TP.Quảng Ngãi tập trung thực hiện vì đây là địa bàn dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp...
Nông dân đang tất bật thu hoạch lúa tránh mưa lớn gây đổ ngã. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (theo phương án đã được xây dựng và phê duyệt). Lưu ý, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiểm tra điều kiện an toàn tại các nơi sơ tán tập trung; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu.
Đối với công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất: Tiếp tục rà soát phương án chi tiết ứng phó tình huống mưa, lũ lớn đã được xây dựng; tổ chức kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Phương án ứng phó với lũ lớn và sạt lở núi, bờ sông, bờ biển tại các địa phương, đơn vị...
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong phương án của địa phương, đơn vị). Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hả; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng.
Người đứng đầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau bão, mưa lũ và tiếp tục triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó bão, mưa, lũ trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người...
Mưa trắng trời, đường phố Đà Nẵng biến thành sông
Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng ngập nặng.
Công Sáng