Trong Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2021 thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán và chuyển tuyến để thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. 

Bảo đảm chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được bảo vệ, hỗ trợ để phục hồi thể chất, tâm lý, xã hội và tái hòa nhập cộng đồng. Huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật để bảo đảm nhanh chóng trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu, bảo vệ, phục hồi, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán.

Bảo đảm cho nạn nhân bị mua bán sử dụng ngôn ngữ mà họ hiểu được; thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của họ, tạo điều kiện để họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo đảm quyền bào chữa của nạn nhân bị mua bán phù hợp với Công ước ACTIP.

Triển khai khẩn trương việc xác định nạn nhân, đặc biệt là tuổi của nạn nhân để bảo đảm cung cấp các dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp chưa chắc chắn về độ tuổi nhưng nếu nạn nhân có khả năng là trẻ em thì cần coi nạn nhân đó là trẻ em và quy trình xác định nạn nhân, phỏng vấn cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật trong nước, phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, nhất là Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Cải thiện khả năng tiếp cận với các cơ hội và hoạt động giáo dục cho trẻ em để nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, đặc biệt là trẻ em gái.

Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán. Trong quá trình thực hiện, cần áp dụng cách tiếp cận đa ngành, lấy nạn nhân làm trung tâm khi cung cấp gói dịch vụ toàn diện cho nạn nhân như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cũng như nâng cao nhận thức nhằm phòng tránh kỳ thị và phân biệt đối xử đối với nạn nhân khi họ hồi hương.

Song song với đó, tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; kế hoạch hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7.

Tăng cường nỗ lực điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, nhất là các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào hoạt động mua bán người. Áp dụng các biện pháp thích hợp như phong tỏa tài sản hoặc hình phạt tương ứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Áp dụng hiệu quả các phương pháp điều tra và biện pháp cần thiết khác để thu thập chứng cứ phục vụ công tác truy tố trong các vụ án mua bán người, kể cả trong trường hợp nạn nhân không cung cấp lời khai của mình.

Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, rửa tiền; những người tham gia, tạo điều kiện hoặc cản trở hoạt động tư pháp liên quan đến phòng, chống mua bán người theo đúng quy định của pháp luật trong nước, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Giai đoạn 2021 – 2022, ưu tiên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho người dân, các lực lượng chức năng của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, Bộ đội biên phòng. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của Công ước ACTIP.

Giai đoạn 2022 – 2025 sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này. Tiến hành sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

Diệu Bình