Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn.
Nhận diện được những thế mạnh và tiềm năng sẵn có của du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi đang ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn xuất hiện đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 32 về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp, khai thác các giá trị văn hóa, bản sắc đặc trưng của mỗi vùng miền.
Tại các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao…
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương đánh giá, hơn 10 năm xây dựng NTM với rất nhiều quyết sách thiết thực dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra những vùng quê tươi đẹp, trù phú cùng lớp nông dân năng động, hiện đại. Đây là tiền đề để các địa phương trong tỉnh khai thác, hình thành và phát triển các hoạt động du lịch, nhằm chuyển tải nét văn hóa đặc trưng vùng, miền qua từng sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa giải bài toán phát triển du lịch, vừa gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM, gia tăng thu nhập cho người dân”.
Các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù gắn với xây dựng một số mô hình chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Cùng với đó là, tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa sinh động và chân thực, để du khách đến tham quan được chứng kiến, hòa mình vào những hoạt động lao động sản xuất một cách chân thực, sinh động nhất.
Nếu như huyện Mộ Đức có “Lễ hội ngày mùa”, thị xã Đức Phổ có “Làng di sản bên đầm An Khê”, thì huyện Nghĩa Hành tạo sức hút du lịch qua vườn cây ăn quả xanh mướt... Hay như mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn xóm Cây Gạo gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các địa điểm khác tại huyện Mộ Đức; Mô hình du lịch sinh thái Cà Ninh, xã Bình Phước và du lịch sinh thái cộng đồng Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (phát triển du lịch nông nghiệp gắn bảo vệ rừng ngập mặn, hệ sinh thái Rong nho,....);....
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng, phát triển điểm đến và hình thành sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thị xã, thành phố phấn đấu xây dựng 01 mô hình, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và đảm bảo thực hiện hoàn thành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 20/02/2023 triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian đến tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.