Nâng cao nhận thức của người dân, lồng ghép cơ chế chính sách ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) trong chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu… là những cách mà Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua.
Trong nghiên cứu “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ông Ngô Hải Ninh, đại học Hạ Long chia sẻ: “Các kết quả phân tích về biểu hiện của BĐKH ở Quảng Ninh giai đoạn (1986 - 2015) cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình năm có xu hướng tăng lên; lượng mưa có sự biến động theo thời gian và không gian trên phạm vi toàn tỉnh; nước biển dâng và xâm nhập mặn là những biểu hiện rõ rệt nhất của BĐKH ở Quảng Ninh. Tác động và tác động tiềm tàng của BĐKH đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật, hoạt động lữ hành. Dưới tác động của BĐKH, du lịch tỉnh Quảng Ninh đứng trước những khó khăn, thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững. Vấn đề cần có giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH của ngành du lịch Quảng Ninh trong bối cảnh hiện hay”.
Nhận thức rõ về vấn đề dễ tổn thương cao trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới, từ 2013, Quảng Ninh đã chú trọng tăng cường các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Đầu tiên, Quảng Ninh đã đưa công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Từ đó mở rộng tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Nếu như vào năm 2010, chỉ có 1,5% dân số của tỉnh có hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích ứng với BĐKH thì đến nay tỉ lệ này là 46%.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và quy hoạch của các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh...
Mặt khác, Quảng Ninh cũng tạo dựng dần các cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của tỉnh. Những hỗ trợ về thuế, đất đai, tín dụng, trợ giá cho các dự án công nghệ sạch, phát thải ít các-bon cũng được quan tâm thực hiện. Hiện tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh việc nghiên cứu, hình thành và áp dụng các cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai về cơ bản đã được thực hiện tốt như: Phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án bảo vệ 5 vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng (4 kịch bản tương ứng với 4 cấp bão 13, 14, 15, 16 tổ hợp với triều cường và 1 kịch bản ứng với cấp bão 13 tổ hợp với triều cường trung bình) và xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, giai đoạn 2015-2020.
Không chỉ vậy, hiện Quảng Ninh đã được đầu tư 39 trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Ngoài ra, nhiều đơn vị ngành Than và công ty thủy lợi cũng đầu tư xây dựng các trạm chuyên dùng để phục vụ cho cảnh báo, sản xuất của các cơ sở. Hàng năm, tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, khảo sát, xác định các khu vực trọng điểm để có phương án phòng chống khi có bão, lũ xảy ra như: Hệ thống kho tàng, doanh trại, trụ sở làm việc, các hồ, đập, đê, kè trọng yếu, các khu neo đậu tàu thuyền và những khu vực hay xảy ra lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất (đặc biệt tại các địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Bình Liêu, Ba Chẽ, các bãi thải của ngành Than...).
Đối phó với hiện tượng nước biển dâng, trong giai đoạn 2013-2017, tỉnh đã quyết định đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn theo kịch BĐKH và nước biển dâng.
Để nông nghiệp chịu tác động nhỏ nhất từ BĐKH, Quảng Ninh đã đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững; thay đổi phương thức canh tác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp như: Áp dụng các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm biogas nhằm giảm phát thải khí methane; xử lý môi trường chăn nuôi bằng men sinh học; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xử lý phân bằng công nghệ ép tách phân...
Công tác trồng rừng ngập mặn cũng được đẩy mạnh để tăng khả năng phòng hộ ven biển, bảo vệ hệ thống đê điều và thích ứng với biến đổi khí hậu.
D.Minh (tổng hợp)