Quảng Ninh sớm có kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngày từ ngày 3/2/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã sóm ban hành Quyết định số 366/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 8/6/2023 về triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh và thành phố, huyện thị trong tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và được lồng ghép trong công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có quy định phát sinh điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các văn bản ban hành đảm bảo tính hợp biến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Các sở, ngành, địa phương của tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các trang website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; qua nhóm zalo, email, phát hành văn bản. Nội dung thông tin tập trung vào các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương, tỉnh; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, những thông tin về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp.

Trong đó, Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ thường trực hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng các thủ tục khởi kiện; hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khởi kiện khi có nhu cầu; đăng ký với Bộ Tư pháp công nhận 6 tổ chức hành nghề và 7 cá nhân luật sư tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu.

Các sở, ngành liên quan cũng đã tổ chức 3 khóa đào tạo, 70 hội nghị, 29 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nội dung bồi dưỡng khá đa dạng, phong phú, tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về lao động, kinh doanh, an toàn thực phẩm, đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, thuế, phí, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, ưu đãi doanh nghiệp có tính chất đặc thù, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính.

ho tro tu phap qn.jpeg
 Một buổi bồi dưỡng kiến thức khởi sự cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hạ Long.

Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng đã thực hiện những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, đặc biệt chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là khối doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với số lượng người lao động đông đảo, nhưng lại rất yếu về thiếu các kiến thức về pháp lý.

Trong đó, một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế; những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, các cam kết chính của Việt Nam, quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số,...

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh đã cơ cấu lại thời hạn vay nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 7.124 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 53 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay số tiền trên 12 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 3.202 lượt người lao động.

Với những kết quả tích cực trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong triển khai dự án, kế hoạch kinh doanh, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh, từ đó đã khuyến khích, tạo động lực cho nhiều tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới.

Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.277 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định về vấn đề này, Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh rất phấn khởi khi thường xuyên được các cơ quan, đơn vị của tỉnh cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong phát triển KT-XH.

Trà My và nhóm PV, BTV