Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều nội dung, giải pháp về chuyển đổi số tại các xã, phường, thị trấn, tạo ra các tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân.
Từ năm 2023, thị xã Quảng Yên đã tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số và triển khai thí điểm mô hình “Xã, phường chuyển đổi số” tại phường Yên Giang và xã Cẩm La. Đến nay, những mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hai địa phương đã thành lập, kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng và đội xung kích hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường và các khu dân cư. Các tổ, đội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ những nhu cầu thiết yếu, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân đăng ký, tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử.
Xã Phong Dụ (Tiên Yên) đã cụ thể hóa và triển khai đạt hiệu quả cao các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 13-CTr/HU ngày 28/02/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Yên về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xã chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung, liên thông hạ tầng số, nền tảng số, bảo đảm khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích, dự báo thông minh để kịp thời đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước.
Nâng cấp thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; dịch vụ liên thông 4 cấp; bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4; kết nối liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia; ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), tích hợp dữ liệu để người dân, doanh nghiệp chỉ phải nhập dữ liệu một lần.
Triển khai nền tảng định danh và xác thực điện tử trên địa bàn xã cho phép xác thực truy cập và cấp quyền tập trung khi tham gia sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số của xã; bảo đảm mỗi người dân có một định danh điện tử trên môi trường mạng.
Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ số, xã Phong Dụ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống, điển hình: Sử dụng mã QR trong tra cứu thông tin thủ tục hành chính hay thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng ứng dụng chữ ký số cá nhân giải quyết thủ tục hành chính; livestream bán các sản phẩm OCOP….
Xã cũng đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh, qua đó thúc đẩy công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số, giảm nghèo và cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.
Ngoài ra, có rất nhiều mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả thiết thực, như: Camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn các phường Nam Khê, Quang Trung (TP Uông Bí) và các xã Hải Lạng, Đồng Rui, Yên Than, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải (huyện Tiên Yên); hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại phường Yên Giang (TX Quảng Yên); hệ thống truyền thanh thông minh tại các xã Hạ Long, Đông Xá (huyện Vân Đồn), Hoành Mô (Bình Liêu)…
Việc thúc đẩy chuyển đổi số cấp xã, phường đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số, góp phần vào công tác xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Quảng Ninh.