Trong thời đại 4.0, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số là con đường ngắn nhất đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) tập livestream bán vải chín sớm. Ảnh: Hồng Hoàn (CTV)

Trà hoa vàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa (huyện Hải Hà) là sản phẩm duy nhất đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2023 ngành thực phẩm. Từ năm 2019 đến nay, bên cạnh hình thức kinh doanh truyền thống, công ty còn quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nhiều trang TMĐT như: PostMart.com.vn; quyhoatra.com.vn; ocop.com.vn; shopee, Lazada..., các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok; chủ động đưa nông sản lên sàn TMĐT nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Mạnh Quy, Giám đốc Công ty, cho biết: Bán hàng trên nền tảng số giúp tiết kiệm chi phí, dễ dàng tiếp cận với khách hàng mới, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm được thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng. Đến nay 30-40% sản lượng nông sản của công ty được tiêu thụ qua nền tảng số.

Nắm bắt xu thế tiêu dùng của người dân, từ năm 2022 đến nay, bên cạnh thị trường tiêu thụ ổn định là các chuỗi cửa hàng sạch, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, các bếp ăn ngành Than và các KCN; HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến (huyện Tiên Yên) đã đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy phát triển TMĐT nhằm đưa trứng vịt biển Đồng Rui đến với đông đảo người tiêu dùng cả nước.

Anh Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, cho biết: Nhờ chuyển đổi số, sản phẩm OCOP 4 sao của HTX được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ngoài các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, sản phẩm đã vươn tới một số tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Nam như Nghệ An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường 8.000-10.000 quả trứng vịt biển, khoảng 20% trong số này được tiêu thụ qua nền tảng số.

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) được tiêu thụ mạnh qua nền tảng số.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, từ ngày 23-26/5, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tỉnh tổ chức Tuần hàng Việt tại TP Uông Bí gắn với hoạt động livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage của Trung tâm.

Đây là lần đầu tiên vải chín sớm được quảng bá và bán trực tuyến nhằm tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt, giúp khách hàng biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam đã được tiêu thụ với giá bán trung bình 38.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg so với năm 2023, tổng doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng.

Hiện tỉnh đã cấp 236 tài khoản quản lý, 181 tài khoản vận hành; mã QR cho 1.276 nông sản; in và cấp phát 323.073 tem QR code các loại để truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản. 

Sàn TMĐT ocop.com.vn Quảng Ninh đang giới thiệu 560/560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh đã có nhiều cuộc kết nối, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các kênh TMĐT lớn, như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso…, là những kênh phân phối có uy tín, có lượt tiếp cận cao; giúp thúc đẩy và tăng hiệu quả hoạt động thương mại của các đơn vị.

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh thời gian tới, Sở Công Thương cùng các sở, ngành có liên quan đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ nông sản. Từ đó làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, giá trị kinh tế cao.

 Theo Minh Yến (Báo Quảng Ninh)