LỜI TÒA SOẠN

Bão số 3 Yagi với cường độ mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, sinh kế và tâm lý người dân.

Giữa những ngày bão lũ triền miên, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã hướng về đồng bào bị thiệt hại với tinh thần “tập trung hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” cả về vật chất và tinh thần.

Và nay, tinh thần “tái thiết nhanh nhất” lại được gấp rút triển khai ở những vùng bão lũ tàn phá.

Bão Yagi, thiên tai lớn nhất trong 70 năm càn quét đất mỏ

Trưa 7/9, tâm bão Yagi đổ bộ hướng thẳng vào Quảng Ninh và quần thảo nhiều giờ gây ra cảnh tan hoang chưa từng thấy. Với sức tàn phá khủng khiếp, bão Yagi được coi là thiên tai lớn nhất trong 70 năm với vùng đất mỏ.

Huyện Cô Tô là địa phương đầu tiên bão Yagi đổ bộ, tàn phá, sau đó tiếp tục đi sâu vào tỉnh Quảng Ninh với sức gió cấp 13-14, giật cấp 17 kèm theo lượng mưa từ 100-250mm.

W-103701a7894d2e13775c.jpg
Hàng loạt nhà hàng sang trọng tại Quảng Ninh sập đổ hoàn toàn sau khi bão số 3 tàn phá. Ảnh: Phạm Công

Suốt 5h bão càn quét với sức tàn phá khủng khiếp, toàn tỉnh Quảng Ninh ngổn ngang như "bãi chiến trường" với cây xanh, cột điện gãy đổ, mái tôn bay, nhà sập ngổn ngang khắp nơi.

Giữa tâm bão đổ bộ, những ngôi nhà cao tầng kiên cố ở Quảng Ninh cũng không chịu nổi sức gió khi hàng loạt ô kính cường bị giật bung theo từng mảng. Nhiều tàu, thuyền lớn dù được chằng chống, neo đậu ở ven bờ vẫn bị sóng gió nhấn chìm, đẩy trôi dạt mất tích.

W-tuan chau_0.jpg
Nhiều tàu du lịch bị đắm khi neo đậu tại cảng Tuần Châu. Ảnh: Phạm Công

Bão Yagi đi qua, Quảng Ninh thống kê có 29 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương; trên 100 nghìn nhà bị tốc mái, đổ sập; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Toàn tỉnh mất điện, viễn thông gián đoạn từ ngày 7 - 9/9.

Thiệt hại về kinh tế với tỉnh Quảng Ninh là vô cùng lớn, khoảng 24.223 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên phạm vi toàn quốc.

"Tận mắt nhìn thấy những thiệt hại thảm khốc đó mà thương người dân đến xót xa", ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Nhường gói hỗ trợ của Trung ương cho các tỉnh thành miền núi

Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau bão, nhưng Quảng Ninh quyết định nhường lại 100 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh, việc nhường lại số tiền này là trách nhiệm của tỉnh trong việc chia sẻ với địa phương chịu ảnh hưởng do bão Yagi.

Nhờ tinh thần tự lực cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương ở Quảng Ninh đã gấp rút khắc phục sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc từ sớm.

Đến nay, các cơ sở giáo dục, y tế, khu công nghiệp… bị ảnh hưởng do mưa bão đã hoạt động trở lại. Ngay vịnh Hạ Long cũng đã mở cửa đón khách.

w img 6396jpg 2440.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thiệt hại tại Quảng Ninh sau bão số 3. Ảnh: Phạm Công

TP Hạ Long chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Quảng Ninh với hơn 63.000 công trình, nhà ở bị hư hại, thiệt hại kinh tế khoảng 9.000 tỷ đồng. Sau bão, TP đã rất nhanh chóng thành lập 5 tổ công tác phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Chỉ 2 ngày sau khi bão đổ bộ, nhiều tuyến đường huyết mạch tại Hạ Long đã lưu thông trở lại, rác thải, vật liệu tôn, sắt được di dời. Các cơ sở kinh doanh bị đổ sập đã có những phương án tái thiết, bước đầu gây dựng lại để tiếp tục kinh doanh.

"Kết thúc các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, toàn thành phố đã thu gom, vận chuyển trên 12.000 tấn rác. Đến nay, môi trường đô thị, các bãi biển đã sạch trở lại, tạo tiền đề để khôi phục kinh tế, trong đó có du lịch", bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cho biết.

Hỗ trợ cao nhất cho người dân sập nhà

Chỉ 2 tuần sau bão Yagi, tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ngày 23/9, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Ninh, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết liên quan đến hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão Yagi.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh quyết định hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, năm học 2024-2025.

Quang cảnh Kỳ họp.jpg
Tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Ninh, nghị quyết hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở đã được thông qua. Ảnh: T.C

Đặc biệt, với mỗi hộ gia đình có nhà đổ sập, hư hỏng được hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng. Mỗi tàu thuyền bị chìm được hỗ trợ từ 15 - 50 triệu đồng chi phí trục vớt.

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến hơn 1.800 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Việc hỗ trợ cho các hộ dân dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12, để giúp người dân ổn định cuộc sống một cách bền vững hơn.

Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão lũ cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh sẽ nâng chuẩn trợ giúp xã hội của địa phương lên mức 700.000 đồng/tháng. Việc nâng mức chuẩn này xuất phát từ thực tế bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh. Trong đó, có 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Giảm lãi suất, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo thống kê, sau bão số 3, hầu hết mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh đều bị thiệt hại nặng nề, rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ Nhà nước và ngân hàng để có nguồn vốn tái thiết, phục hồi sản xuất.

Tiếp nhận những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những quyết sách hỗ trợ của Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã đề nghị các ngân hàng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão.

Cụ thể, đối với tín dụng chính sách, theo rà soát đánh giá sơ bộ, có khoảng 12.700 khách hàng đang vay tại Ngân hàng chính sách xã hội bị thiệt hại với tổng dư nợ 741 tỷ đồng.

w img 6526jpg 16416.jpg
Ông Cao Tường Huy (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) đề nghị các ngân hàng sớm triển khai gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Ảnh: Phạm Công

Để kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão đến ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện việc gia hạn nợ, khoanh nợ, chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian khoanh nợ.

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và người lao động, hoàn thành trước ngày 5/10/2024 để tiếp tục hỗ trợ.

Hiện nay, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc “tiếp sức” cho doanh nghiệp tỉnh sau siêu bão với các biện pháp cụ thể như: Triển khai chính sách giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn...