Dòng vốn ngoại vẫn trăng trưởng
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tỉnh Quảng Ninh vẫn thu hút lượng lớn các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng nhà máy, phân xưởng...
Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã chấp thuận cấp mới giấy Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 569,397 triệu USD. Trong đó phải kể đến dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai. Với số vốn đăng ký 498 triệu USD, đây là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay vào các KCN của Quảng Ninh.
Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh ước đạt 185,9 triệu USD; doanh thu đạt khoảng 1.366 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2021, Quảng Ninh có 142 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 7,66 tỷ USD. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,54 tỷ USD, đạt 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, các dự án thu hút mới tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cho thấy quyết tâm của Quảng Ninh trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 góp phần đẩy mạnh việc hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may trên địa bàn.
“Miền đất hứa” cho FDI
Trong bối cảnh đại dịch, Quảng Ninh vẫn được xem là “mảnh đất vàng” hấp dẫn nhiều nhà đầu tư FDI. Quảng Ninh hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư: Tỉnh có hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN, KKT hoàn thiện; tỉnh đứng đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như nhiều chỉ số về cải cách hành chính; tỉnh có các chính sách đầu tư hấp dẫn; đặc biệt là tinh thần cởi mở, cầu thị, quyết liệt của các cấp lãnh đạo…
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế sẵn có, sự đồng hành của địa phương và những giải pháp quyết liệt trong phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã giúp đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh, nâng cao niềm tin và tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Để chặn bão Covid-19, đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư FDI, Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư linh hoạt, đúng trọng tâm trọng điểm. Thời gian qua, tỉnh tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến; chủ động kết nối, mời gọi với các doanh nghiệp đầu tư FDI đã đầu tư thành công tại Việt Nam đến đầu tư tại địa phương.
Đặc biệt trong tháng 6, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm, như: Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh; Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar;... nhằm chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các dự án sớm đi vào hoạt động.
Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, tập trung xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản chuyên sâu về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics...
Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, để tạo điều kiện thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh chủ động hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Đồng thời, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững, nhằm tận dụng cơ hội ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.
Để đạt được những mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền…
Với việc tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, hạ tầng để "làm tổ” đón “đại bàng", Quảng Ninh kỳ vọng tiếp tục là “miền đất hứa” thu hút các nhà đầu tư.
N.Hân