Tỉnh Quảng Ninh có 67 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đây cũng là địa bàn tập trung đa số hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các mục tiêu theo tiêu chí của Trung ương và về đích trước 3 năm. Đây là kết quả đột phá mang dấu ấn của chính sách, nguồn lực cho đến những giải pháp, cách làm trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

anh man hinh 2024 03 05 luc 053121.png
Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong 3 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 82.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn, trong bối cảnh đến hết năm 2023, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp. Điểm nổi bật của Quảng Ninh chính là huy động được mọi nguồn lực trong xã hội, khơi dậy ý chí, sức mạnh của nhân dân. 

Riêng nguồn vốn tín dụng là 60.000 tỷ đồng, chiếm tới 73,1%, gấp gần 3 lần so với vốn ngân sách nhà nước; còn lại vốn của tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã là 165,3 tỷ đồng chiếm 0,2% và vốn huy động hợp pháp là trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,35%.

Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Để có được những kết quả đó, quá trình thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của Trung ương trong thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình theo từng tháng, quý và cả năm, đặc biệt đối với các xã xây dựng nông thôn mới thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh, ổn định xã hội. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ nét.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, 100% số xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố... Các mô hình kinh tế ngày càng nhiều với hiệu quả mang lại cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí trở thành hộ khá giả, giàu có. 

Khánh Vy