Xã miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo chiếm phần lớn với 92 xã của tỉnh Quảng Ninh. Có 49/92 xã thuộc diện khó khăn (trong đó có 17 xã, 54 thôn đặc biệt khó khăn). Dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có trên 150.600 người, chiếm 12,8% dân số toàn tỉnh, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và chủ yếu sống ở vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia.
Xác định rõ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội miền núi, hải đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay, nên thời gian qua Quảng Ninh tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư phát triển ở những khu vực này.
Gia đình anh Bàn Văn Quý và chị Đặng Thị Thoa (người Dao) xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ tự nguyện viết đơn thoát nghèo nhờ mô hình trồng rừng kết hợp trồng lúa nương. |
Trên cơ sở khảo sát, năm 2013 Quảng Ninh vẫn còn 22/111 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo một số huyện, xã ở thời điểm khảo sát lên đến trên 30%), chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 về phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Đề án 196). Đây là những nghị quyết quan trọng, không chỉ thể hiện sự quan tâm của tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, mà còn đưa ra chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần thu hẹp sự chênh lệch vùng miền trong sự phát triển nhanh của tỉnh.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã luôn quyết liệt và bám sát tinh thần chỉ đạo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt và có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá. Đến nay, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt vùng miền núi, biên giới của tỉnh đã có nhiều đổi mới; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Hiện 100% các xã, thôn đã được bảo đảm các hạ tầng cơ bản (đường ô tô được cứng hoá, điện lưới quốc gia, giáo dục, y tế…); trên 96,5% số người DTTS của tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 93,63% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; 88,76% số hộ gia đình và 80,1% số thôn bản vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 2 lần so với cuối năm 2015 (riêng tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 lần), tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm 2 lần (từ 24,15% năm 2015 giảm xuống còn 12%); thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi tăng 2 lần so với năm 2010. Chương trình 135, Đề án 196 đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Đặc biệt đã có nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo (tại huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu) cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của nhân dân về thoát nghèo.
Hữu Duyên