Quảng Ninh có 6 trạm thu phí thuộc 2 dự án cao tốc, gồm: cầu Bạch Đằng (cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác, sử dụng (dự kiến quý 3 năm nay) sẽ có thêm 4 trạm thu phí nữa.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về nâng cao hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ ETC tại các trạm thu phí, yêu cầu các chủ đầu tư dự án triển khai lắp đặt và đã đưa vào khai thác, sử dụng bắt đầu từ năm 2020.
Đến nay, đã có tổng số 28 làn đường được lắp đặt ETC, đảm bảo năng lực khai thác theo lưu lượng thiết kế và thực tế hiện tại.
Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh ông Vũ Văn Kinh cho biết, thu phí ETC là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí thủ công và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.
Do vậy, ngay từ khi triển khai các dự án, Sở GTVT đều yêu cầu chủ đầu tư lắp đặt ETC, triển khai các gói thiết bị kết nối.
Đến nay, khi Chính phủ có chỉ đạo không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 1/8, thì hạ tầng tại Quảng Ninh đều đã đáp ứng và vận hành ngay.
Đầu tháng 7 vừa qua, Sở GTVT đã yêu cầu các trạm rà soát công tác vận hành. Sau khi kiểm tra cho thấy, các trạm đủ điều kiện để khai thác 100% ETC.
Các chủ đầu tư dự án cao tốc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh việc dán thẻ đầu cuối cho các phương tiện.
Thực hiện bố trí điểm cung cấp dịch vụ tại các trạm thu phí. Triển khai công tác hướng dẫn khoa học, giảm thiểu tối đa thời gian cho người sử dụng. Đặc biệt, cần tổ chức diễn tập, giả định các tình huống để có phương án xử lý, giải quyết sớm sự cố trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc.
Người dân cũng nên chủ động tham gia, thực hiện dán thẻ định danh cho phương tiện, sử dụng hình thức giao thông thông minh để tiết kiệm thời gian, chi phí cho mỗi hành trình.