Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Một trong những điểm nhấn về công tác an sinh của Quảng Ninh trong thời gian qua là chính sách giảm nghèo. 

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bài 10 Dương thị toàn giảm nghèo.jpg
Mô hình chăn nuôi lợn đã giúp gia đình chị Dương Thị Toàn, dân tộc Dao ở thôn Ngàn Vàng Dưới (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) thoát nghèo.

Mục tiêu cốt lõi nhất trong xóa nghèo của tỉnh là nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng vào việc tạo sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện mức thu nhập của người dân từng bước thoát nghèo bền vững, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tính đến năm 2023, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Tuy nhiên, để nâng cao mức sống cho nhân dân, nhất là các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định chuẩn nghèo của Trung ương hiện nay.

Theo đó, có khoảng 6.600 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ, với tổng mức ngân sách hỗ trợ trên 255 tỷ đồng. Chính sách này sẽ giúp Quảng Ninh mở rộng diện bao phủ giúp những người khó khăn, yếu thế tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu tại địa phương, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. 

Cuối năm 2023, gia đình chị Dương Thị Toàn, dân tộc Dao ở thôn Ngàn Vàng Dưới (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) thực sự vui mừng khi gia đình chị đã thoát nghèo. Trước đây, kinh tế gia đình chị Toàn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Rất may sau đó, gia đình chị được xã Đồng Tâm định hướng phát triển mô hình chăn nuôi lợn. Hai con trai của chị đã đến tuổi lao động nên được giới thiệu đi làm ngành Than. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, không còn cảnh thiếu trước hụt sau mà chị còn sửa sang được ngôi nhà khang trang cho gia đình ở.

Ở huyện Bình Liêu đồng bào DTTS chiếm 96% dân số, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến xã đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào nghị quyết của cấp ủy. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, gắn với thực tế và nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo; nhất là kịp thời bổ sung các tiêu chí bị thiếu hụt về y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, thu nhập… Nhờ vậy tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2023, theo chuẩn nghèo quốc gia thì huyện không còn hộ nghèo, chỉ còn 96 hộ cận nghèo; còn theo chuẩn nghèo của tỉnh thì huyện còn 69 hộ nghèo và 1.166 hộ cận nghèo.

Vì thế, không riêng gì gia đình chị Toàn mà còn rất rất nhiều gia đình khác ở huyện Bình Liêu nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung đã thoát nghèo. 

Hướng tới hạnh phúc của nhân dân

chỉ số hạnh phúc.jpg
Quảng Ninh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân...

Theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064%; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, đến năm 2024 tỉnh không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh. Kết quả này cho thấy, dù mới qua nửa chặng đường thực hiện nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo của cả giai đoạn 2021-2025, trước 3 năm so với yêu cầu của Trung ương.

Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nhất là với mục tiêu nâng cao đời sống cho nhân dân, để mỗi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã giúp nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, từ đó góp phần nâng cao đời sống, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. 

Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai thực hiện phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây. Theo thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh đạt 73,9 triệu đồng/người.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, vùng biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến; nhờ đó, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, chỉ số phát triển con người (HDI) của Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước.

Những năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà Quảng Ninh đang thực hiện, đó là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” nhằm hướng tới xây dựng một Quảng Ninh hiện đại, văn minh và hạnh phúc.