Tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư 

Không chỉ là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu, Quảng Ninh còn được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, nổi bật là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy, hàng hải quốc tế.

Từ cuối năm 2018, Quảng Ninh đã mở cửa kết nối bầu trời khi đưa vào khai thác sân bay quốc tế Vân Đồn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành hơn 30 công trình giao thông. Từ đầu năm, Quảng Ninh đã có cầu vượt biển Cửa Lục 1, đường bao biển nối hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả... 

Đặc biệt vào đầu tháng 9, tỉnh chính thức thông tuyến cao tốc xương sống chạy dọc tỉnh Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, liên thông với hai cao tốc Bạch Đằng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn thành trục dài 176km, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số ki-lô-mét đường cao tốc lớn nhất cả nước.

Nếu như 5-7 năm trước, nhà đầu tư nước ngoài đến với Quảng Ninh còn e ngại vì thiếu sân bay, đường bộ kết nối, thì nay, tỉnh đã biến nút nghẽn hạ tầng trở thành lợi thế thu hút đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nền tảng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, với đủ các loại hình giao thông tạo sức hút đầu tư lớn cho tỉnh, đem đến động lực tăng trưởng dài hạn.

Không chỉ tập trung phát triển hạ tầng, Quảng Ninh còn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quảng Ninh được biết đến là hình mẫu trong việc xây dựng cơ chế “một cửa”, hỗ trợ đầu tư. 5 năm liền (2017 - 2021) tỉnh giữ vị trí quán quân về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 9 năm liên tiếp (2013 - 2021) đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 4 năm liên tiếp (2017 - 2020) đứng đầu cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index)...

Quảng Ninh còn có lợi thế lớn khi là tỉnh có diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó có những khu công nghiệp nằm trong địa bàn khu kinh tế như các Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai… trong Khu kinh tế Quảng Yên, với nhiều ưu đãi về cơ chế. 

Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, lãnh đạo Quảng Ninh luôn hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với địa phương. 

Những cam kết mà lãnh đạo Quảng Ninh luôn nhấn mạnh đó là sự hoàn thiện về quy hoạch, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi; Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng; Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường; Luôn đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đón sóng FDI 

Không ngừng bồi đắp, tạo dựng nên những giá trị cạnh tranh riêng có, Quảng Ninh đang thu hút những dự án FDI tầm cỡ.

Tháng 7 mới đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho Công ty TNHH công nghiệp Jinko Solar Việt Nam và dự án xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng cho Công ty TNHH phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong với tổng vốn đầu tư 2 dự án 55,56 triệu USD.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong về dự án sản xuất hạt nhựa polyprobylene với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Dự án xây dựng nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn để cho thuê với vốn đầu tư dự kiến 23,8 triệu USD tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong.

Tính đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,31 tỷ USD. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp); 62 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 5,95 tỷ USD. 

Theo đại diện Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, dự kiến cuối năm nay hoặc quý I/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn, như nhà đầu tư Thụy Điển Autolist đã quyết định đầu tư 100 - 150 triệu USD vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Trong công tác xúc tiến đầu tư tới đây, Quảng Ninh xác định đối tác, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong giai đoạn sắp tới là các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Singapore, EU, Trung Đông; các công ty nhỏ và vừa (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài tại Quảng Ninh. Tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

N.Hân