Làm mẹ an toàn là nội dung quan trọng trong chăm sóc sức khỏe an toàn bà mẹ và trẻ em, giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Vì vậy, giáo dục sức khỏe bà mẹ trẻ em trở thành chiến lược của ngành y tế nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Tại Quảng Trị, nhiều năm nay công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ được quan tâm, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh giảm. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi dưới 5 tuổi giảm. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn còn chênh lệch giữa các vùng nhất là khu vực dân tộc, miền núi, giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Nhiều nơi công tác này chưa được chú trọng, quan tâm, đồng bào còn theo nhiều hủ tục lạc hậu.

Các chị em phụ nữ tham gia tuần lễ Làm mẹ an toàn. 

Tuần lễ Làm mẹ an toàn được tổ chức từ 01 – 07/10/2023 nhằm mục đích tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng. Tuần lễ giúp cho bà mẹ, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào ít người sinh sống được tư vấn, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, phụ nữ có thai được chăm sóc từ ban đầu thông quan khám thai định kỳ, tiêm phòng vắc xin, xét nghiệm sàng lọc bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, giang mai… 

Ngành y tế Quảng Trị sẽ tăng cường tuyên truyền tới chính quyền các cấp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm mẹ an toàn thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, phát tờ rơi về các trạm y tế xã. Vận động phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ, cán bộ y tế, người thân, đàn ông trong gia đình tham gia tuần lễ Làm mẹ an toàn để góp phần nâng cao sức khỏe phụ nữ, trẻ em, tích cực ủng hộ, tham gia tuần lễ. 

Trong tuần lễ Làm mẹ an toàn, Sở Y tế Quảng Trị cũng tiến hành tập trung 3 gói dịch vụ chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh và quảng bá lợi ích của chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong cộng đồng dân cư. 

Theo Bộ Y tế, cả nước  có 53 dân tộc thiểu số với khoảng 14 triệu người chiếm 14,7% dân số cả nước. Người dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng tại 51 tỉnh, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Đa số đồng bào sinh sống tại các miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tại các vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các chỉ số dân số, tuổi thọ thấp hơn bình quân cả nước, sự chênh lệch này một phần do điều kiện đời sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.

Thạch Thảo và nhóm PV, BTV