Mời quý độc giả theo dõi video:
Thực hiện Tiểu Dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, xã Quang Trung (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Từ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã và đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.
Xã Quang Trung là địa bàn miền núi với phần đông là đồng bào dân tộc Mường. Trong công tác tuyên truyền, Hội Liên hiệp phụ nữ xã là nòng cốt, đã triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững, nhằm giảm thiểu tình trạng này.
Các cấp hội phụ nữ từ xã đến thôn, bản tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nhiều hình thức phong phú. Cụ thể như: tổ chức hội nghị, treo panô, khẩu hiệu, phát tài liệu, tư vấn pháp luật, tuyên truyền qua thông tin đại chúng…
Hội tập trung vào đối tượng như: Thanh niên, vị thành niên là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn; phụ huynh học sinh, cha mẹ của thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi vị thành niên; già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng đối tượng về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, người dân, hội viên được phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hình sự; Luật Hộ tịch; kỹ năng truyền thông, vận động về hôn nhân, gia đình, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản..
Hội còn thường xuyên đổi mới cách tuyên truyền, sân khấu hóa chương trình tuyên truyền, từ đó tạo sự hấp dẫn, dễ hiểu, gần gũi đối với hội viên và bà con.
Đặc biệt, hội tổ chức tuyên truyền qua loa phát thanh, tờ rơi tại chợ phiên, các buổi sinh hoạt của hội viên phụ nữ tại thôn.. Nền tảng mạng xã hội cũng trở thành công cụ hữu ích cho hoạt động tuyên truyền.
Các mô hình câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn, bản được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo bà con. Các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 tuần/lần. Mỗi một thành viên câu lạc bộ trở thành một tuyên truyền viên lan tỏa kiến thức pháp luật đến gia đình, họ hàng.
Bên cạnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ xã còn thực hiện vận động, kết nạp hội viên danh dự là nam giới tham gia công tác hội. Hiện hội viên danh dự là nam giới của Hội có trên 30 người.
Các hội viên danh dự đều là người có uy tín, tầm ảnh hưởng tới cộng đồng; có khả năng quy tụ, tập hợp, tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của hội viên, phụ nữ; đã có quá trình, thời gian tham gia hỗ trợ các hoạt động hội ít nhất từ 2 năm trở lên với tư cách là chuyên gia, tư vấn, giảng viên, báo cáo viên… hoặc ủng hộ vật chất cho các hoạt động của hội, tương trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ.
Ngoài việc tham gia vào tuyên truyền, chuẩn bị tài liệu cho các hội nghị, hội viên danh dự còn tham gia vận động thu hút nam giới đồng hành cùng các cấp hội, hội viên, phụ nữ, góp phần tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nhờ các hoạt động mạnh mẽ, thiết thực, nhận thức của phụ huynh và thanh thiếu niên con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã về tảo hôn đã dần thay đổi. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không còn, tỷ lệ tảo hôn giảm thiểu rõ rệt.
Việc triển khai nhiều mô hình, đẩy mạnh các giải pháp thiết thực, sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ, ý thức tự nguyện thực hiện kết hôn đúng độ tuổi của các em thanh thiếu niên, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng cuộc sống trên địa bàn xã Quang Trung nói riêng và huyện Ngọc Lặc nói chung.