Không đi dã ngoại, học sinh phải đi lao động, dọn vệ sinh

Mới đây, nhiều phụ huynh Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) bức xúc khi trường ra thông báo, những học sinh không đi dã ngoại kết hợp hội trại do trường tổ chức phải đi lao động, dọn vệ sinh trường.

Trước đó, trường THPT Đặng Trần Côn ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục theo 2 hình thức: Tổ chức dã ngoại kết hợp hội trại tại Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn trong 2 ngày 28 và 29/3; tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chủ đề tháng 3, kết hợp lao động vệ sinh trường lớp tại trường cùng thời điểm nói trên.

Theo văn bản này, những giáo viên, học sinh không tham gia hội trại tại Khu du lịch sinh thái Về Nguồn (TP Huế) phải lao động, dọn vệ sinh trường vào ngày 28 và sáng 29/3.

dangoai.jpg
Ảnh minh họa: Thúy Nga

Công việc của những giáo viên, học sinh thuộc diện đi lao động vệ sinh là cạo sạch rêu mốc trên tường rào xung quanh trường, dùng chổi quét sạch bụi rêu. Những khu vực chưa làm vệ sinh, học sinh sẽ phải đi lao động bù vào buổi khác.

Các phụ huynh bức xúc cho rằng, hội trại là hoạt động mang tính chất vui chơi, giải trí nên không thể ép buộc học sinh tham gia (mỗi học sinh tham gia hội trại đóng 350.000 đồng, gồm 180.000 đồng tiền vào cổng và 170.000 đồng tiền ăn uống). 

Chưa kể, một số học sinh không đăng ký tham gia hội trại ngoài bận việc gia đình, có nhiều trường hợp do khó khăn về kinh phí.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, chiều 27/3, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với lãnh đạo trường THPT Đặng Trần Côn. Sở GD-ĐT  tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy, kế hoạch của trường THPT Đặng Trần Côn là chưa khoa học, chưa phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh những suy nghĩ nhạy cảm ở học sinh và phụ huynh.

Sở GD-ĐT yêu cầu trường THPT Đặng Trần Côn điều chỉnh kế hoạch phù hợp, đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giáo dục chung của nhà trường; đồng thời, phê bình và yêu cầu hiệu trưởng nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, xây dựng và triển khai các kế hoạch giáo dục. 

Chuyến trải nghiệm như tour du lịch, trường phải trả lại tiền cho học sinh

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, nhiều phụ huynh trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) cũng phản ứng về hoạt động trải nghiệm tại trường. Họ cho rằng việc đóng gần 3 triệu đồng để con tham gia trải nghiệm là không hợp lý. 

Theo kế hoạch, với mức phí hơn 2,8 triệu đồng/học sinh, trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức chuyến trải nghiệm 3 ngày 2 đêm (từ 13-15/3) với chủ đề “Theo dòng lịch sử” cho học sinh khối 12. Chuyến trải nghiệm dự kiến đi tới nhiều tỉnh miền Trung do Trung tâm giáo dục STEAM và trải nghiệm VECTOR (Công ty Giáo dục Nguyễn Kim) tổ chức.

Cụ thể, phụ huynh bức xúc về việc giáo viên chủ nhiệm thông báo phải đóng tiền học tháng 2 là 872 nghìn đồng và 2,8 triệu đồng tiền đi dâng hương, học tập trải nghiệm. 

Một số phụ huynh khác lại cho rằng, thời điểm này là để các em tập trung ôn luyện thi tốt nghiệp THPT nên việc đi trải nghiệm là không cần thiết. Ngoài ra, thay vì đóng tiền đi trải nghiệm, số tiền này sẽ giúp phụ huynh học sinh có thêm khoản lo chi phí mua đồ dùng học tập cho con.

Sở GD-ĐT Hải Phòng sau đó đã yêu cầu nhà trường tạm dừng hoạt động này. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong khắc phục hạn chế do phụ huynh phản ánh; xem xét hình thức xử lý phù hợp với giáo viên chủ nhiệm.

Tham gia hoạt động trải nghiệm mới được đánh giá hoàn thành môn

Trước đó, tháng 12/2023, phụ huynh có con đang học tại lớp 10 trường THPT B Bình Lục (tỉnh Hà Nam) cũng phản ánh việc nhà trường bắt buộc học sinh phải tham gia hoạt động trải nghiệm mới được đánh giá hoàn thành môn.

“Tôi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm bắt buộc phải tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài trường, học sinh mới được đánh giá là hoàn thành môn Hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm”, phụ huynh phản ánh.

Theo vị phụ huynh, địa điểm trải nghiệm là Thành cổ Sơn Tây - Ao Vua, 1 ngày với chi phí 560.000 đồng/em. “Chúng tôi ở vùng nông thôn rất nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em không muốn đi nhưng gia đình vẫn bị ép buộc ký vào 1 tờ đơn thoả thuận đồng ý với nhà trường”, phụ huynh này cho hay.

Hiệu trưởng trường này sau đó giải thích không hề ép, hay bắt buộc các học sinh phải tham gia hoạt động trải nghiệm mới được đánh giá là hoàn thành môn.

Vị này cho biết thêm, theo kế hoạch, sau buổi trải nghiệm sẽ yêu cầu học sinh làm bài thu hoạch. Nhưng sau khi xuất hiện phản ánh, nhà trường không yêu cầu học sinh làm thu hoạch nữa để tránh hiểu lầm là bắt buộc đi trải nghiệm mới đánh giá hoàn thành môn học.

Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, các nhà trường gặp không ít khó khăn trong tổ chức, đặc biệt là khi kết hợp hoạt động trải nghiệm gắn với dã ngoại cho học sinh. Thực tế cũng đầy bất ổn, thậm chí nhiều vụ tai nạn khi dã ngoại.

Xe chở học sinh đi trải nghiệm gặp tai nạn

Ngày 7/3 vừa qua, tại Hải Phòng cũng xảy ra vụ tai nạn liên quan đến hoạt động trải nghiệm. Theo đó, xe chở 42 học sinh trường THCS Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) đi trải nghiệm gặp tai nạn. Vụ việc khiến cửa kính hàng ghế cuối bên trái vỡ, 2 nam sinh lớp 8 rơi ra khỏi xe. Các em sau đó tự di chuyển vào vỉa hè.

Trẻ tiểu học bị bỏ quên trên xe sau chuyến dã ngoại

Hồi tháng 6/2023, sau khi trở về từ chuyến dã ngoại ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), một học sinh Trường Tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón.

Theo chương trình, học sinh Trường Tiểu học Archimedes Academy tham gia khóa sinh hoạt hè, đi dã ngoại ở Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Buổi sáng, xe chở 20 học sinh lớp 1 cùng với 5 giáo viên, nhân viên hỗ trợ.

Sau khi tham gia trại hè tại Bát Tràng, xe quay trở lại trường vào khoảng 12h10, dừng đỗ 5 - 10 phút để trả học sinh. Lúc này, giáo viên chủ quan nên bỏ qua việc điểm danh học sinh khi xuống dẫn đến bỏ sót một học sinh đang ngủ trên xe.

Khi ổn định học sinh (khoảng 12h30), giáo viên phát hiện thiếu 1 em nên các thầy cô chia nhau đi tìm và liên hệ với lái xe. Tới 12h40, lái xe đưa em học sinh này quay trở lại trường. 

Hàng loạt học sinh nhập viện sau dã ngoại

Hồi cuối tháng 3/2023, 56 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi dã ngoại khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

kimgiang.jpg
Trường Tiểu học Kim Giang. Ảnh: Phường Kim Giang

Trước đó, vào tháng 2/2023, dư luận cũng xôn xao trước vụ việc một học sinh lớp 11 trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) tử vong do bị đuối nước khi đi dã ngoại tại huyện Mai Châu, Hòa Bình.

Năm 2021, một nhóm học sinh lớp 11 trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cũng gặp tai nạn tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ). Theo đó, thiết bị ở khu vực tàu lượn gặp sự cố, 1 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng.