1. Loại rau nào chứa nhiều giun sán nhất?

  • Rau cải xanh
  • Rau muống
  • Hoa chuối
Chính xác

Một nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội, cùng các cộng sự thực hiện năm 2009 trên gần 1.000 mẫu rau lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, với 6 loại rau là muống, ngổ, cần, cải xanh, diếp, cải xoong, cho thấy rau cải xanh là loại nhiễm ấu trùng giun sán nhiều nhất.

Ngoài ra, theo các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng TP.HCM, các loại rau củ thủy sinh như rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen, củ niễng… có nhiều chất dinh dưỡng nhưng nếu không biết cách chế biến, dễ gây bệnh sán lá ruột.

2. Có phải chỉ rau trồng dưới nước mới chứa nhiều giun sán còn rau trồng trên cạn thì không?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Theo GS Nguyễn Văn Đề, nhiều người cho rằng chỉ các loại rau trồng dưới nước mới nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế rau trồng trên cạn cũng nhiễm.

Theo ông, tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến các loại rau được trồng trên cạn nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng.

3. Loại rau nào dưới đây tuyệt đối không được ăn sống?

  • Ngó sen
  • Hoa chuối
  • Rau cần, rau ngổ
Chính xác

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM, ngó sen là bộ phận dưới gốc cây sen, một thức ăn và là vị thuốc Nam thông dụng mang tên “Liên ngẫu”. Trong ngó sen có đường glucoza, canxi, photpho, sắt, vitamin C…

Ngó sen là một thức ăn tốt, nhưng phải ăn chín, tuyệt đối không được ăn sống. Do phát triển trong bùn dưới đáy nước các hồ ao, đầm, nên ngó sen dễ bị nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá, ngó sen còn là nơi trú ẩn của ấu trùng sán lá ruột, một loại sán lá ký sinh trong ruột người và một số gia súc, nhất là loài lợn.

4. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành?

  • 30 ngày
  • 60 ngày
  • 90 ngày
Chính xác

Người ăn phải những cây thủy sinh chưa nấu chín sẽ ăn theo cả ấu trùng sán lá vào ruột. Khi vào cơ thể, ấu trùng bám vào ruột non, ký sinh và trưởng thành ở đấy. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.

5. Khi nào nên đi xét nghiệm ký sinh trùng?

  • 3-6 tháng với người có nguy cơ nhiễm bệnh cao
  • Thấy sốt, đau đầu, sụt cân không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, ngứa, nổi mề đay...
  • Thấy ấu trùng di chuyển trên da, mắt
Chính xác

Theo lời khuyên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, xét nghiệm ký sinh trùng nên được thực hiện định kỳ 3-6 tháng/lần đối với người sống và làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Khám bệnh khi cảm thấy có một trong các triệu chứng sau:

- Ngứa, nổi mề đay hoặc thấy ấu trùng di chuyển ở da

- Đau đầu, chóng mặt, nôn ói, sốt… không rõ nguyên nhân

- Đau cơ, đau khớp tay chân không rõ nguyên nhân

- Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng

- Ngứa vùng quanh hậu môn, đi ngoài ra giun hoặc đốt sán

- Trẻ giảm cân, chậm tăng cân

- Mắt mờ hoặc mất thị lực, viêm mắt, thấy ấu trùng di chuyển ở mắt

6. Ngâm nước muối rửa rau, củ quả có loại bỏ hết giun sán?

  • Không
Chính xác

Tiến sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết nhiều người nói không bao giờ ăn đồ tái và thường xuyên ngâm rau sống vào nước muối trước khi sử dụng nhưng vẫn bị nhiễm ký sinh trùng.

Theo ông Thọ, ngâm muối không phải để sát khuẩn rau, mục đích chính là tạo môi trường để trứng giun, sán nổi lên. Người dân cần ngâm muối để các trứng giun, ấu trùng nổi lên. Sau đó, chúng ta dìm rau xuống và chắt nước ra. Như vậy trứng giun, sán nổi lên trên và bị đổ theo nước ra ngoài.

Nếu ngâm rau trong nước muối sau đó nhấc lên sẽ không có tác dụng khi trứng, ấu trùng lại tiếp tục bám vào rau.

7. Ai không nên ăn rau sống?

  • Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ
  • Người bị rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng
  • Bệnh nhân suy thận
  • Tất cả đáp án trên
Chính xác

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, có một số nhóm người không nên ăn rau sống.

Người bị rối loạn tiêu hóa, bị hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng dễ bị gây khó chịu, bất tiện nếu ăn rau sống. Chất xơ trong rau có tác dụng phụ gây khó chịu đường tiêu hóa như đầy hơi, chuột rút, co thắt dạ dày, tiêu chảy, có cảm giác muốn đi đại tiện ngay...

Thực phẩm sống luôn chứa một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng, có thể gây nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi... Người suy thận cũng không nên ăn.

 

8. Rau mua ở cửa hàng, siêu thị sẽ đảm bảo sạch giun sán, không phải rửa nước muối nữa?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Theo Tiến sĩ Trần Huy Thọ, chúng ta đừng nghĩ rau cửa hàng, siêu thị sạch. Tốt nhất người dân nên rửa rau dưới vòi nước chảy và ngâm nước muối sau đó, đổ nước ra ngoài để loại bớt trứng giun, sán.