Với 459/460 đại biểu có mặt tán thành, chiều 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2022.

Một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội giao Chính phủ là chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, NSNN.

Thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Quốc hội cũng giao Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND các tỉnh: Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 tỉnh này phải thu nộp ngân sách các khoản chi không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

ngansach
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH

Quốc hội lưu ý, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán NSNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước. 

Đồng thời, Chính phủ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức xử lý, điều chỉnh quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nêu trên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước về việc quyết toán chi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 địa phương chưa điều chỉnh theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Nhiều đại biểu đề nghị kèm theo danh sách 12 địa phương và yêu cầu Chính phủ phải chấn chỉnh, tránh trường hợp các năm sau tái diễn, phải kéo dài thời gian xem xét quyết toán. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nêu rõ danh sách các bộ, cơ quan, địa phương chưa điều chỉnh quyết toán NSNN theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán NSNN.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán NSNN; xử lý điều chỉnh quyết toán NSNN theo quy định.

Có phương án xử lý tiền còn lại của Quỹ vắc xin phòng Covid-19

Một nội dung đáng chú ý khác trong Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khoản chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm trang thiết bị của dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ một số bộ ngành, cơ quan. 

Đó là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu NSNN bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Trong đó, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện các vi phạm. 

Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm trong việc không kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền phê chuẩn bổ sung dự toán thu NSNN năm 2022 số tăng thu ngân sách và phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu ngân sách.

Quốc hội yêu cầu, từ năm 2024, chấm dứt việc tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm các khoản tăng thu ngân sách chưa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền phê chuẩn bổ sung, điều chỉnh dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án xử lý số kinh phí còn lại của Quỹ vắc xin phòng Covid-19 theo thẩm quyền để bảo đảm việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả nguồn kinh phí này và phù hợp với quy định.

Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán thu NSNN năm 2022 số tăng thu ngân sách năm 2022 chưa được bổ sung tại Nghị quyết 40/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội đồng ý phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 3.102 tỷ đồng, bao gồm: Tăng thu ngân sách trung ương là 972 tỷ đồng; tăng thu ngân sách địa phương 2.130 tỷ.

Chuyển nguồn hơn 432 nghìn tỷ cho cải cách tiền lương

Chuyển nguồn hơn 432 nghìn tỷ cho cải cách tiền lương

Số tiền chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 sang năm 2023 là hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, việc chi chuyển nguồn cao chủ yếu do nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương.