Sáng 16/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong tờ trình, Chính phủ đã đề xuất 8 cơ chế đặc thù để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt trong đó là việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Cụ thể, HĐND cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dự thảo cũng đưa ra phương án HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ...

phu thu tuong moi.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: QH

Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, dự thảo nghị quyết thể hiện các cơ chế mạnh mẽ chưa từng có và các cán bộ phải làm ‘ngày đêm’ để có. 

"Nếu như Quốc hội bấm nút thông qua, cho dù có lựa chọn phương án nào, chúng tôi vẫn cho là thành công. Bởi 8 cơ chế trình đều khác với luật, vượt lên trên luật”, Phó Thủ tướng nói. 

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, 3 chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp từ rất nhiều chính sách, vấn đề, quy định nên cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau. Nếu không gỡ không làm được. 

Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết cơ bản chỉ còn nợ một chuyện với chương trình phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì phải thay đổi chủ trương đầu tư nhưng làm chưa kịp...

Phó Thủ tướng cho biết, nguyên tắc lớn nhất của 8 cơ chế Chính phủ kiến nghị Quốc hội là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có thể bổ sung thêm Mặt trận Tổ quốc.

Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội đặt ra về việc phân cấp cho huyện, xã, Phó Thủ tướng cũng nêu khi phân cấp cho huyện, xã có kham nổi hay không?

"Vì nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã gửi 'xin Phó Thủ tướng đừng giao cho em, là em đứt'. Nên đâu đó cũng có sự phân vân về phân cấp đến đâu.

Nhưng nguyên tắc phải có tính khả thi và anh em dưới phải làm được. Cho nên có thể có những điều mong muốn của đại biểu mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ cũng chưa dám phân cấp", ông Quang nêu.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm thực tế trình, đi xin nhưng không phải xin cái gì cũng được.

"Có câu chuyện phải lựa cái gì được, cái gì không và người cho cũng lựa cái gì cho được cái gì không. 

Ví dụ liên quan ngân sách Nhà nước cho dù một đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ và rất nhiều người ‘đi về nơi xa lắm’ vì coi thường việc này. Chỉ cần mở mạng là có đủ”, Phó Thủ tướng nói thêm.

nguyen minh duc.jpeg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức.

Qua giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cho biết, có nhiều vướng mắc, bất cập, nên cần phải có nghị quyết với cơ chế đặc thù.

Về ủy thác vốn cân đối ngân sách cho địa phương, nghị quyết nêu HĐND cấp tỉnh, huyện được bố trí vốn cân đối. Tuy nhiên, đại biểu Đức cho rằng, cần phải đối chiếu so sánh với Luật Đầu tư công, làm rõ việc cấp tỉnh và huyện sẽ được quyết định số vốn là bao nhiêu.

"Quy định hiện nay là lửng lơ sẽ khó triển khai", ông Đức nêu. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cũng cho rằng, cần có cơ chế linh hoạt trong dự toán, thanh quyết toán ngân sách trong cả giai đoạn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, để khi cần điều chỉnh thì không vướng.

Về thí điểm phân cấp, ông Toàn đồng tình việc phân cấp nhưng băn khoăn việc thí điểm. Bởi theo tờ trình Chính phủ đề nghị giao mỗi tỉnh chọn 1 huyện để thí điểm, trong khi thời gian tới 2025 thời gian còn rất ngắn, nên tính hiệu quả, tác động không cao.

Do đó, ông Toàn đề nghị có quy định mở là có thể thực hiện theo quy định hiện hành hoặc phân cấp quyền quyết định sử dụng vốn cho UBND hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định. Từ đó, giao đơn vị nào thực hiện mức độ ra sao sẽ do địa phương quyết định phù hợp thực tế, chứ không thí điểm cho cấp huyện.