Bị tàn phá - chủ động thay đổi

Chưa bao giờ ngành Du lịch lại chịu tác động nặng nề như năm 2020. Hoạt động du lịch bị tổn hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan.

Số liệu của Bộ VH-TT&DL cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Công suất phòng khách sạn chỉ đạt 10-15%. Ước tính, con số thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, sự tàn phá một cách toàn diện nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Covid-19 cho thấy nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống lại dịch bệnh.

{keywords}
Covid-19 đã thúc đẩy ngành Du lịch phải triển khai nhanh việc chuyển đổi số

Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi liên tục theo chiều hướng cảm tính, bất thường, khó phán đoán, nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. “Chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tham gia chuyển đổi số”, ông Bình nói.

Với 40.000 doanh nghiệp, hơn 2 triệu lao động chưa kể các bên liên quan bị tác động tiêu cực, chính Covid-19 đã thúc đẩy ngành Du lịch phải triển khai nhanh việc chuyển đổi số.

“Các doanh nghiệp du lịch cần có điều chỉnh chiến lược để phục hồi tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Đây là xu hướng tất yếu của nhiều doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh”, ông Bình khẳng định.

Xoay trục: Không gì là không thể

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Du lịch (Tổng cục Du lịch) phân tích, hiện nay, hầu hết hành vi của du khách diễn ra trong môi trường số, điều đó cho phép chúng ta có thể thu thập và phân tích hành vi của du khách trên cơ sở dữ liệu lớn và đưa ra những nhận định, đánh giá. Ngoài ra, công nghệ làm cho sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, qua đó, hiệu quả tăng lên rất nhiều.

Muốn tìm tour đi du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu, với chiếc smartphone trên tay, chỉ vài thao tác, chị Hoàng Thị Mai ở Long Biên, Hà Nội, lập tức tìm được cho mình rất nhiều tour, khách sạn cũng như những review cặn kẽ về nơi mình sắp đến. Đường đi thế nào, ăn ở ra sao, nên trải nghiệm những dịch vụ gì... Tất cả đều có trên mạng. Chưa kể, khi chị tìm kiếm thông tin liên quan đến chuyến đi, lập tức Facebook đã tương tác, hiển thị những dữ liệu cần thiết.

{keywords}
 App Du lịch Việt Nam an toàn giúp du khách tra cứu mức độ an toàn của địa điểm sắp đến

Đó là những gì đơn giản nhất về chuyển đổi số trong du lịch, gần như đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai có nhu cầu trong vài năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội và xu hướng du khách tìm tới những điểm đến vắng vẻ, an toàn, thì việc tìm kiếm thông tin dựa trên nền tảng dữ liệu ngày càng phổ biến.

Chính vì thế, app Du lịch Việt Nam an toàn do Tổng cục Du lịch phối hợp với Tập đoàn Công nghệ VietSen thực hiện vừa được đưa vào hoạt động. Chỉ cần tải app, du khách có thể tra cứu mức độ an toàn tại địa điểm sắp đến, xem bản đồ số để biết mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và cập nhật tình hình mới nhất về điểm đến cũng như các chính sách của ngành du lịch.

Điểm ưu việt nổi bật của app Du lịch Việt Nam an toàn là khách du lịch và đơn vị cung cấp dịch vụ có thể trực tiếp tương tác với nhau trên hệ thống để kiểm tra thông tin, mức độ an toàn. Đồng thời, hai bên có thể đánh giá lẫn nhau.

Hay cách đây 7 năm, ý tưởng về việc xây dựng một mạng xã hội chuyên về du lịch đầu tiên cho người Việt Nam ra đời. Sau khi “đập bỏ” 4 phiên bản, CEO Nguyễn Văn Hạ cho hay mạng xã hội Hahalolo phiên bản 5 đang được vận hành tốt.

Với mục đích giúp du khách giải quyết 4 câu hỏi lớn: đang ở đâu, muốn đi đâu, đi trong thời gian nào, cần bao nhiêu tiền cho chuyến đi của mình, Hahalolo có các tính năng: hiển thị bản tin cho người dùng (newfeed); review trải nghiệm dành cho khách du lịch; mua bán tour, phòng khách sạn, vé máy bay (có thể mua trả góp)... Mỗi ngày, Hahalolo có 30.000 bài đăng.

Ông Hạ tiết lộ, đến nay đã có 2.000 khách sạn trong nước, 8.000 tour của 250 công ty lữ hành, 3 hãng bay trong nước tích hợp và bán hàng trên mạng xã hội này.

Ngoài ra, tại Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt công ty, dự án start-up trong nước đã tham gia cung cấp các giải pháp, nền tảng công nghệ cho du lịch. Đơn cử như Gotadi với chức năng đặt vé máy bay, tour du lịch, phòng khách sạn trực tuyến; ezCloud vừa ra mắt nền tảng quản trị và kinh doanh khách sạn - cung cấp công cụ quản lý và đồng bộ quá trình bán phòng, bán vé máy bay... của người Việt, thay vì lâu nay khách chỉ biết đến các trang nước ngoài như Agoda hay Booking; Luxstay - ứng dụng đặt phòng homestay hàng đầu Việt Nam...

{keywords}
Nhờ ứng dụng công nghệ, chỉ cần ngồi một chỗ, du khách đã được đi du lịch ảo khắp nơi trên thế giới thông qua hình ảnh 3D (ảnh minh họa)

Nền tảng kinh doanh mới

Nhờ ứng dụng công nghệ, chỉ cần ngồi một chỗ, du khách đã được đi du lịch ảo khắp nơi trên thế giới thông qua hình ảnh 3D (không gian ba chiều), trước khi đến tận nơi trải nghiệm, khám phá. Như tại Việt Nam, tới đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thư viện 3D, làng nghề Bát Tràng có bản đồ số về di sản văn hóa để phục vụ du khách... Du lịch 3D không phải là sự thay thế mà chính là để hỗ trợ khách du lịch có trải nghiệm lý thú, bổ ích hơn trong thực tiễn.

Tại Diễn đàn Chuyển đổi trong lĩnh vực du lịch hồi cuối tháng 9/2020, ông Tuấn Hà, Giám đốc Công ty Vinalink nhấn mạnh, chuyển đổi số trong ngành Du lịch nhiều khi không hẳn là giải pháp hoành tráng như big data, blockchain, AI,... mà đơn giản chỉ là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt...

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được dữ liệu khách hàng một cách chính xác, tốt nhất, nên đã thành công.

Thực tế cho thấy, phần lớn các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Flamingo Redtours, Hanoitourist, Vietrantour,... đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, marketing và nghiên cứu thị trường.

Điều quan trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, chuyển đổi số chính là sự thay đổi hoàn toàn tư duy, kiến thức, phương thức thực hiện. Ngành Du lịch chuyển sang một trạng thái kinh doanh khác hẳn, bắt đầu từ tư duy tổng thể, tức là đặt phương thức kinh doanh và mô hình kinh doanh trong môi trường số.

Rõ ràng, “chuyển đổi số không có gì là trừu tượng”, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói và đúc kết: “Chuyển đổi số bắt đầu từ những nội dung công việc, những app chúng ta đang làm, từ những dữ liệu tích hợp chúng ta đang có. Trong quá trình chuyển đổi số cố gắng tận dụng những lợi ích của cách mạng 4.0 mang lại, và quan trọng là sự tương thích, tương tác, qua đó có thể khai thác ở nội dung khác, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực khi chúng ta tiếp cận”. 

Hà Yên