Cân bằng lợi ích của các bên
“Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh” là chủ đề Hội thảo chuyên đề 3 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 3/10. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chủ trì hội thảo.
Tham luận về “Quy hoạch kiến trúc đô thị trong lộ trình hướng tới phát triển xanh và bền vững: Những bước đi của Việt Nam và góc nhìn ra thế giới”, ông Tạ Quốc Thắng, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam đã có những bước đi ngay từ các chính sách phát triển quy hoạch – kiến trúc đô thị.
Ông Thắng đánh giá, trong lĩnh vực kiến trúc, nhiều chỉ đạo đã được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh tại các địa phương trên cả nước. Xu hướng thiết kế kiến trúc xanh đã giúp nền kiến trúc nước ta hình thành một số công trình tiêu biểu, tạo tiền đề phát triển công trình xanh ở Việt Nam…
“Việt Nam đã có kinh nghiệm về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai thể hiện qua các giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu ở các công trình kiến trúc truyền thống. Đây là nguồn kinh nghiệm quý báu để xây dựng và phát triển công trình xanh một cách tiết kiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.
Từ đó, ông Thắng cho rằng, các bên cần đẩy mạnh các nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, phát triển các mẫu kiến trúc khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống, thích ứng điều kiện vi khí hậu của mỗi địa phương, lồng ghép các mục tiêu phát triển công trình xanh trong quy hoạch đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc của các địa phương.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để tạo động lực và hình thành một thị trường công trình xanh bền vững ở Việt Nam. Trong đó, cần sự chung tay vào cuộc của mọi thành phần xã hội, nhất là chủ đầu tư dự án và người sử dụng công trình cần nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh, các vấn đề về vận hành công trình xanh một cách đúng đắn và hiệu quả, cân bằng lợi ích của các bên để hướng tới xây dựng một văn hóa sống xanh bền vững.
Quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, thân thiện môi trường
Nhìn nhận công tác quy hoạch “xanh” trong phát triển đô thị, bà Lê Thúy Hà, Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho rằng, quy hoạch đô thị xanh đã được thống nhất từ cấp độ quy hoạch quốc gia, thể hiện rõ tính liên kết hữu cơ theo tầng bậc, mạng lưới – vành đai – chuỗi – dải, phát triển hợp lý theo các vùng lãnh thổ đặc thù để phát triển kinh tế, hỗ trợ và cạnh tranh, đảm bảo phát huy chức năng động lực vùng và quốc gia, nâng cao sức chống chịu. Đây cũng là tiền đề “xanh” cho các quy hoạch đô thị ở các loại và cấp tiếp theo.
Về hạ tầng đô thị xanh, cơ sở hạ tầng đô thị thường có tuổi thọ dài và khó thay đổi sau khi đã xây dựng, vì vậy việc quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn dài hạn 30 – 50 năm cùng với quan điểm thân thiện môi trường. Cơ sở hạ tầng đô thị bền vững có vai trò quan trọng đối với việc giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Hệ thống thoát nước bền vững được áp dụng thay cho hệ thống truyền thống. Việc thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn, tận dụng địa hình tự nhiên để thoát nước, lưu giữ khung thiên nhiên tối đa, sử dụng các hồ điều hòa và hệ thống truyền tải nước mưa để lưu giữ nước. Thấm nước mưa tự nhiên bề mặt ở các không gian công viên, quảng trường, bãi đỗ xe, ven sông, tái tạo tự nhiên cho kênh rạch và sông ngòi...
Bàn về các giải pháp, ông Bao Xu Xu, đại diện Shikibo Group, nêu bật công nghệ Deomagic Nhật Bản để khử mùi rác cho các tòa nhà cao tầng tạo môi trường trong lành, cuộc sống xanh cho dân cư đô thị Việt Nam.
Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity đã nêu những giải pháp quy hoạch hạ tầng xanh, kiến tạo thành phố đáng sống, thích ứng với biến đổi khí hậu với 5 bài học lớn. Trong đó, tích hợp hạ tầng chống ngập với hệ thống cảnh quan, tích hợp không gian công cộng điểm đến vào công trình xanh, xây dựng giải pháp bảo vệ đê biển gắn với tái tạo hệ sinh thái, giải pháp chống ngập trong đô thị với ví dụ cho thành phố Thủ Đức.