Việc bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp”–bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích. Thực tế trùng tu di tích cũng có lúc phải phát lộ (bớt đi), tái định vị (bố trí lại) hay bổ khuyết, phục dựng (thêm vào).
Nhận định được ThS. KTS Nguyễn Thị Hương Mai, Viện Bảo tồn di tích đưa ra tại hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại” (ngày 12/11).
Khai thác, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống
Đánh giá tổng quan về kiến trúc cổ truyền Việt Nam, KTS Nguyễn Thị Hương Mai cho rằng, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và cũng đa dạng về vùng miền, môi trường tự nhiên. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Trên thực tế, kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng về loại hình, từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống nhưng không có sự khác biệt nhiều về kết cấu.
Theo bà Mai, những giá trị lịch sử biểu hiện rõ nét trên các công trình kiến trúc truyền thống được bảo tồn từ tổng thể, đến các hạng mục kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng cổ truyền là những bài học rất hữu ích trong thiết kế, xây dựng kiến trúc đương đại.
“Các công trình kiến trúc truyền thống Việt có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Nếu biết khai thác, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống trong đương đại thì không chỉ góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc dân tộc mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục cho cộng đồng và địa phương”, bà Mai cho hay.
Nhấn mạnh việc bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp” – bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích, bà Mai cho rằng, cần khoanh vùng kiểm soát để bảo vệ di sản, nhưng không phải là tuyệt đối cấm phát triển, mà chỉ hạn chế, kiểm soát, chọn lọc và điều tiết kịch bản phát triển phù hợp.
Chia sẻ về việc kế thừa và phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam từ sau đổi mới, ThS.KTS Nguyễn Mạnh Trí cho biết, mặc dù từ năm 1986 đến nay, kiến trúc Việt Nam đã tiếp thu mạnh mẽ các xu hướng toàn cầu, nhưng nhiều công trình vẫn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống. Các tác phẩm này không chỉ đạt chất lượng cao mà còn giành được các giải thưởng quốc tế, khẳng định sức sống bền vững của yếu tố dân tộc trong kiến trúc đương đại.
Tuy nhiên, việc khai thác và kế thừa truyền thống trong kiến trúc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thành công trong việc phát huy giá trị truyền thống chỉ có thể đạt được khi có sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, cùng với sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa và nhu cầu thực tế của cộng đồng. Khi đó, kiến trúc Việt Nam mới có thể khẳng định được bản sắc riêng biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Kiến tạo giá trị kiến trúc mới
Tại hội thảo, trao đổi về việc phát huy tiếp biến giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc đương đại chủ yếu mới dừng ở những thử nghiệm của một số kiến trúc sư đơn lẻ, chưa tạo thành một trào lưu mạnh mẽ để khẳng định tính tự lập, tự cường và phát huy tinh thần bản địa, giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khi lượng đổi thì chất sẽ đổi.
“Tôi cho rằng càng nhiều thay đổi thì tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ tạo ra được xu hướng. Đối với thế giới hiện nay, Việt Nam chúng ta cũng đã manh nha một phong cách kiến trúc mới của các KTS trẻ, điều đó chính là minh chứng cho việc trào lưu kiến trúc đương đại đang dần được hình thành”, KTS Hoàng Thúc Hào nói.
Nêu ý kiến trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng việc lựa chọn những phương pháp và công cụ phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của các nhóm di sản kiến trúc là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với những di sản nằm trong cấu trúc đô thị hiện đại, trong bối cảnh phát triển đô thị và kinh tế - xã hội.
Do đó, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để lựa chọn các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản kiến trúc sao cho hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống cần phải được định hướng rõ ràng trong quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, đồng thời tăng cường quảng bá các giá trị đặc trưng của kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát triển vật liệu xây dựng xanh
Hội thảo Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại thuộc khuôn khổ đề án do Thủ tướng Chính phủ giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện, là một hoạt động của Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc và Viglacera phối hợp thực hiện.
Tham gia sự kiện với triển lãm Pavillon Viglacera Aurora với chủ đề “Cực quang” đại diện Viglacera cho biết, Viglacera tôn vinh Aurora để khích lệ lối sống bảo vệ nét đẹp tự nhiên, chân thực, bảo vệ những điều vốn có trong bản thể vũ trụ. Điều đó đáng được nâng niu và tôn vinh. Cũng như trong sản xuất, Viglacera chú trọng phát triển vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm phát thải, hướng đến thu nhỏ dấu chân carbon…
TS.KTS Phan Đăng Sơn cho biết, trong bối cảnh đất nước đang tập trung vào việc xây dựng các thành phố phát triển bền vững, như đã nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sự sáng tạo từ cộng đồng, đặc biệt là từ các doanh nghiệp chuyên ngành, đang đóng góp những giá trị rất thiết thực.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, trong ngành vật liệu xây dựng, những kiến trúc sư luôn coi đây là ngành nền tảng, giúp xây dựng các công trình xanh, kiến trúc xanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia.