Nỗ lực vượt khó

Theo đánh giá của Gelex, quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn có nhiều biến động khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp, nguy cơ lạm phát tăng cao, giá nguyên vật liệu cơ bản biến động mạnh. Ở thị trường Việt Nam, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, ghi nhận mức tăng trong quý đầu năm thấp thứ hai trong vòng 12 năm qua; trong khi lạm phát cơ bản tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2022. 

Do đó, trong quý I, hầu hết mảng sản xuất kinh doanh của Gelex đều bị ảnh hưởng, ghi nhận kết quả sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thiết bị điện và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, mảng năng lượng và nước sạch hoạt động vẫn ổn định, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2022.

 Dự án điện gió của Gelex ở Quảng Trị. Ảnh: Gelex

Tỷ trọng doanh thu quý I /2023 tiếp tục duy trì cân bằng giữa mảng thiết bị điện và các mảng còn lại, tương tự cơ cấu doanh thu cả năm 2022. Tỷ trọng mảng vật liệu xây dựng trên tổng doanh thu giảm so với cơ cấu cả năm 2022; do bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…

Lợi nhuận gộp quý đầu năm 2023 của Gelex đạt 1.269 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp vẫn đạt mức 20%, không biến động nhiều so với các quý trước và tương đương mức trung bình cả năm 2022. 

Số liệu từ báo cáo tài chính cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý I cũng có sự sụt giảm, đạt 144 tỷ, tương đương 11% kế hoạch năm. 
Ghi nhận đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Gelex đạt 52.619 tỷ đồng, tăng 0,4% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản, nguồn vốn ổn định. 

Đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Từ cuối năm 2022, ban lãnh đạo Gelex đã đánh giá bối cảnh nền kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhất là lạm phát và lãi suất tiếp tục neo ở mức cao. Vì thế, doanh nghiệp này đã chủ động đưa ra các giải pháp như: linh hoạt điều tiết sản xuất kinh doanh để giảm tích trữ hàng tồn kho, tối ưu hóa chi phí vốn, tập trung vào quản trị hệ thống, đầu tư vào nhân sự…

Trước đó, vào ngày 26/4 vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Gelex cho biết định hướng phát triển của doanh nghiệp là: tiếp tục đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp.

Gelex định hướng các đơn vị thành viên trong hệ thống tiếp tục củng cố, tăng trưởng thị phần tại thị trường trong nước với các mặt hàng chiến lược; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mảng thiết bị điện, vật liệu xây dựng ra thị trường quốc tế. 

Thông qua đơn vị thành viên Viglacera và liên danh với Frasers Property Vietnam, Gelex tiếp tục triển khai nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp. Doanh nghiệp này cũng chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển quỹ đất, đầu tư các dự án nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khách sạn, văn phòng cho thuê.

Liên doanh giữa Tập đoàn Gelex và Frasers Property Vietnam góp phần kiến tạo các khu công nghiệp tầm cỡ tại miền Bắc Việt Nam. Ảnh phối cảnh

Bên cạnh đó, Gelex chủ trương “bắt tay” các tập đoàn toàn cầu để mở rộng thị trường, sản phẩm trong chuỗi giá trị các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Gelex và Frasers Property Vietnam đã ký kết hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc, mở đầu cho chiến lược đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Gelex. Dự án có tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến là khoảng 6.000 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD), dự kiến cung cấp hơn 500.000m2 các loại hình: nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.

Ngọc Minh