Nhìn vào lịch sử Triều Tiên những năm gần đây có thể thấy một khả năng lớn
là: Việc quân đội Triều Tiên tấn công một đòn mạnh và bất ngờ vào Hàn Quốc có vẻ
như chỉ là vấn đề thời gian.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Triều Tiên dọa 'thổi bay' đảo Hàn Quốc
Nỗi thấp thỏm của dân trên đảo từng bị Triều Tiên nã pháo
Căng thẳng tột độ trên bán đảo Triều Tiên
Mỹ - Hàn tập trận chống Triều Tiên
Triều Tiên bỏ hiệp định đình chiến với Hàn Quốc
Hình ảnh cuộc tập trận mới đây nhất của Triều Tiên |
Chìm ngập trong các dòng bảng biểu tuyên truyền của Triều Tiên về vụ tấn công hạt nhân lên Washington nhằm trả đũa lệnh trừng phạt là một câu tuyên bố của Chỉ huy Tối cao quân đội Triều Tiên hôm 5/3. Tuyên bố có đoạn Triều Tiên ‘sẽ tiến hành một cuộc tấn công công lý vào bất kỳ mục tiêu nào và vào bất kỳ lúc nào họ muốn mà không có giới hạn nào”.
Những câu từ đó khiến nhiều người liên tưởng tới ký ức không xa, khi mà Bình Nhưỡng đã tận dụng thời gian trước khi trả đũa chính xác vào Hàn Quốc. Chẳng hạn như các tuyên bố trả đũa sau vụ đụng độ hải quân với Hàn Quốc năm 1999 và 2009 đều có các đợt pháo kích dữ dội hơn đi kèm.
Những vụ tấn công ba năm trước ‘là những lời nhắc nhở dữ dội về khả năng cũng như dự định của Triều Tiên’ – cựu quan chức tình báo Mỹ Bruce Klingner viết.
Căng thẳng lần này gần như phản chiếu y hệt từ những gì từng xảy ra năm 2009 khi mà LHQ thông qua các lệnh trừng phạt đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và Bình Nhưỡng đáp trả mãnh liệt. Tháng 11 năm đó, Seoul tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến trên biển với Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng tuyên bố trả thù.
Tháng 3/2010, tàu chiến Cheonan nặng 1200 tấn của Hàn Quốc nổ và chìm xuống biển Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một cuộc điều tra của quốc tế do Hàn Quốc đứng đầu phát hiện ra tàu bị ngư lôi đánh chìm, Triều Tiên bác bỏ liên quan tới vụ việc.
Tháng 11/2010, Triều Tiên cảnh báo Hàn Quốc phải hủy bỏ cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật thường kỳ trên đảo Yeonpyeong chỉ cách Triều Tiên 7 dặm và nằm ở vùng biển Hoàng Hải mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền.
Bỏ qua lời đe dọa, Hàn Quốc vẫn tiến hành tập trận bắn đạn thật xuống vùng biển mà Seoul nói rằng cách xa vùng biển của Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng cho pháo nã xuống hòn đảo này, khiến hai dân thường và hai lính thủy đánh bộ Hàn thiệt mạng.
Hàn Quốc nã pháo đáp trả nhưng chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng bị cho là chậm trễ, yếu ớt. Ông Lee tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bị gây hấn lần nữa.
Chính quyền mới của tân Tổng thống Park Geun-hye cũng bảo thủ và có phát ngôn tương tự, nhưng bà Park cũng nói rằng sẽ cố gắng xây dựng lòng tin với Triều Tiên và khai thác kênh đối thoại cũng như viện trợ nhân đạo.
Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói rằng không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ tấn công sớm, nhưng cũng cảnh báo nếu như chuyện đó xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ phải gánh chịu ‘thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều’ so với những gì mà họ làm với Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Hai nhắc nhở các binh sĩ pháo binh tiền tiêu rằng phải ‘cảnh giác tối đa’ vì chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Nếu tình huống xấu là chiến tranh xảy ra, Mỹ sẽ nối lại quyền kiểm soát quân đội ở Hàn Quốc vì họ là đồng minh suốt hàng thập kỷ qua sau khi Mỹ đáp trả việc Triều Tiên đem quân xuống Hàn Quốc năm 1950. Tuy vậy, Hàn Quốc nói rõ rằng họ có chủ quyền và có tất yếu chính trị để đáp trả mạnh mẽ các cuộc tấn công của Bình Nhưỡng trong tương lai.
Một manh mối về thời điểm Triều Tiên tấn công có thể nằm trong tính toán thời gian trong các lời đe dọa lúc này. Triều Tiên đang giận dữ với các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn đang diễn ra cho đến hết tháng Tư.
Các nhà phân tích cho rằng rất nhiều khả năng Bình Nhưỡng không tiến hành tấn công khi mà hỏa lực Mỹ - Hàn vẫn đang thi triển, nhưng khi tập trận kết thúc, chiến sự có thể nổ ra.
“Họ rất im ắng khi mà căng thẳng dâng cao và vũ khí tối tân của Mỹ được mang tới Hàn Quốc để tập trận” – nhà phân tích Chon Hyun-joon tại Quỹ Thống nhất dân tộc tại Seoul nói.
Nếu lịch sử có thể cung cấp ‘manh mối’ nào đó thì rất nhiều khả năng ‘điểm bùng phát’ sẽ là biển Hoàng Hải nơi mà Triều Tiên bất bình về đường biên giới kể từ những năm 1950. Bình Nhưỡng cho rằng đường biên giới này rõ ràng có lợi cho Hàn Quốc hơn và lấn gần vào đất liền của Triều Tiên.
Ông Chon lưu ý rằng các cuộc đụng độ trên biển năm 1999, 2002, 2009 và vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong xảy ra chỉ vài tuần sau khi tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc. Trong các lần đó và lần tập trận này, truyền thông nhà nước Triều Tiên phản ứng dữ dội với hoạt động quân sự của Hàn Quốc, kêu gọi chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh.
Triều Tiên đôi khi phải mất hàng tháng mới có hành động đi đôi với các lời đe dọa hoặc cảnh báo bí ẩn của mình, nhưng một khi hành động, họ lại rất mau lẹ.
Cựu cố vấn về châu Á của chính quyền Tổng thống George W. Bush và Ellen Kim của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế tại Washington phân tích rằng tính từ năm 1992 tới nay, sau mỗi lần Hàn Quốc bầu nên Tổng thống mới, Triều Tiên đều ‘tỏ thái độ’ bằng quân sự.
Tân Tổng thống Park Geun-hye mới nhậm chức hôm 25/2 vừa qua.
Hai nhà nghiên cứu Cha và Kim nhận định: “Có thể Triều Tiên sẽ có động thái trong vài tuần tới”.
- Lê Thu (theo AP)