Luật sư tư vấn:

Căn cứ khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, trách nhiệm của doanh nghiệp được ghi nhận như sau:

“Điều 206. Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

…3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”

Theo quy định trên:

- Người sử dụng lao động phải thanh toán các khoản nợ, hoàn thành các hợp đồng đã ký với người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp công ty tạm ngừng kinh doanh vì theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động thì không ghi nhận trường hợp tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận hoãn hợp đồng lao động và sẽ tiếp tục công việc khi doanh nghiệp hoạt động trở lại theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019: “Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

...h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận”

 Người lao động sẽ có các Quyền lợi về chế độ tiền lương, bảo hiểm trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh

- Đối với chế độ tiền lương, căn cứ khoản 1 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì người lao động sẽ được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

“Điều 99. Tiền lương ngừng việc

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;”

- Đối với bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, tử tuất: theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt đồng thì chỉ được tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất (không quá 12 tháng) và phải đóng bù cho thời gian tạm dừng.

“Điều 88. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:

a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.”

Căn cứ theo các quy định trên, khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì người lao động sẽ được hưởng đủ lương theo hợp đồng và được đóng bảo hiểm xã hội trừ quỹ hưu trí, tử tuất trong trường hợp không quá 12 tháng trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc