Quyết tâm chuyển đổi
Chuyển đổi số không phải con đường trải hoa hồng. TGĐ Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết khó khăn với chuyển đổi số nhiều vô kể. Trong khi đó, các mô hình cũng rất đa dạng, buộc doanh nghiệp phải lặn lội tìm ra được thứ phù hợp với mình. Nếu chọn sai, hậu quả sẽ khôn lường.
Nhìn lại hành trình đã qua, vị TGĐ này nói rằng có hai khó khăn lớn nhất mà ông phải vượt qua khi quyết theo đuổi chuyển đổi số. "Đầu tiên cần vượt qua nỗi sợ thất bại. Tài liệu về chuyển đổi số thời điểm đó cho thấy 80-90% thất bại. Theo khảo sát của VINASA (Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam), 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại", ông Thăng chia sẻ. Một khó khăn nữa là lựa chọn giữa chuyển đổi số từng phần hay chuyển đổi số toàn diện.
Tuy nhiên, những điều trên không làm giảm quyết tâm của doanh nghiệp 60 năm tuổi trong việc thay da đổi thịt chính bản thân mình. Tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là hơn 40% trong quý đầu năm 2021, đã chứng minh cho sự đúng đắn đó.
DN trong cuộc đua chuyển đổi số (Ảnh: N.H) |
Liều mình chuyển đổi số là câu chuyện của bà Đỗ Thị Kim Liên, hay còn được gọi là “bà ngoại U60”. Bà Liên kể: “Vào năm 2004, lúc đó dù chưa hiểu công nghệ là gì nhưng tôi đã dám bỏ ra 5 triệu USD để mua phần mềm về quản trị cho doanh nghiệp của mình trong lĩnh vực bảo hiểm. Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ rằng, có công nghệ sẽ giúp tôi quản trị doanh nghiệp được tốt hơn”.
Bà Liên cho hay, từ 2004, doanh nghiệp bảo hiểm do bà điều hành đã dùng công nghệ. Cho đến khi xu thế của thế giới bắt đầu nói về công nghệ 4.0, bà là người tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm số. Từ chữ ký số, chuyển tiền số, bồi thường số, giám định số,... và hoàn toàn thoát khỏi giấy tờ truyền thống.
Nói về chuyển đổi số, bà Liên cho rằng, vấn đề này không có gì quá đáng sợ như mọi người vẫn nói. “Các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng đó là điều gì đó rất đáng sợ, mà hãy nghĩ rằng đó là công cụ giúp chúng ta quản trị một cách tốt hơn, giúp chúng ta nâng cao dịch vụ một cách tốt nhất. Không có gì đơn giản cả, nhưng nếu các bạn chú tâm, tôi nghĩ các bạn sẽ làm được điều đó”, bà nói.
Cuộc đua mới
Tại Việt Nam, Covid-19 tạo một cú huých cho kinh tế số còn lớn hơn với làn sóng chuyển dịch số đồng loạt, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, người dân, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số.
Ông Phạm Kim Hùng, CEO của Base, cho rằng, ba bài toán lớn cho doanh nghiệp gồm quản lý nâng cao năng suất, minh bạch và thông suốt thông tin, quản trị và phát triển nhân lực toàn diện. “Nỗ lực lớn nhất của chúng tôi là làm cho giải pháp đó dễ dàng, thuận tiện và chuẩn mực cho mọi quy mô doanh nghiệp. Chúng tôi có kế hoạch phát triển các bài toán lớn khác như quản trị tài chính, quản trị khách hàng và phát triển kinh doanh trên cùng một nền tảng thống nhất”.
Covid-19 tạo một cú huých cho kinh tế số (Ảnh minh họa) |
Đưa ra tư vấn về chuyển đổi số, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, từ bán hàng cho tới tài chính, nên các doanh nghiệp đang phải áp dụng sách lược "Do more with less" (làm nhiều với chi phí thấp). “Chuyển đổi số là vấn đề tốc độ. Nhiều tập đoàn của Việt Nam mong muốn hợp tác với FPT để trở thành những doanh nghiệp có thể phản ứng linh hoạt theo thời gian thực, các nhà chỉ huy thời gian thưc”, ông Bình nói.
Còn ông Đinh Minh Quân - Giám đốc điều hành FastWork - cho biết, từ thực tế của các doanh nghiệp SME có nhu cầu chuyển đổi số cao nhưng nguồn lực còn hạn chế, FastWork đã cung cấp nền tảng với chi phí hợp lý. Nhờ đó, doanh nghiệp SME vẫn có cơ hội ứng dụng công nghệ vào quản trị và điều hành với ngân sách phù hợp, bắt kịp cuộc đua chuyển đổi số hiện nay.
Ông Đinh Minh Quân cho rằng không có một giải pháp chuyển đổi số nào vừa vặn với mọi loại hình doanh nghiệp. Phải đi từ nhu cầu, từ vấn đề mới đến được giải pháp phù hợp, không lãng phí.
Bên cạnh các doanh nghiệp chuyển đổi số thì thị trường cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực này cũng đang có nhiều tiềm năng. Mới đây, FPT đã công bố đầu tư vào Base.vn, hợp lực sức mạnh tăng tốc chuyển đổi số cho 800.000 doanh nghiệp.
Hay công ty FastWork đã giới thiệu ra thị trường ứng dụng chuyển đổi số. Là một sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam, ứng dụng này đặc biệt chú trọng phát triển giải pháp công nghệ chuyên sâu, giải quyết vấn đề đặc thù cho từng doanh nghiệp với mô hình "all in one" sẽ cung cấp bộ giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Trong khi đó, NextPay thuộc NextTech Group đã ra mắt hệ sinh thái chuyển đổi số Next360 cho các doanh nghiệp vừa - nhỏ và siêu nhỏ.
Với tỷ lệ chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 45% GDP, doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng nhất cần có chiến lược hành động quyết liệt vào lúc này.
Theo nghiên cứu của Cisco, quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Duy Anh