Ngày 14/3, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, trường hợp hy hữu này đã phục hồi sau 11 ca phẫu thuật và hơn 100 ngày điều trị. Bệnh nhân là ông V.M.H, 53 tuổi (TP.HCM) bị tai nạn giao thông ngày 27/10/2022.
Ông H. cho hay, sáng cùng ngày, trên đường về đón mẹ đi khám bệnh, ông bị xe container cán qua người. Ông tỉnh và nhận ra từ phần xương chậu trở xuống đã bị dập. “Thôi rồi, tôi nghĩ mình không về đón mẹ được rồi. Chắc chết thôi, không sống nổi nữa!”, ông kể lại.
Ngay sau đó, bệnh nhân được cấp cứu ở Bệnh viện huyện Bình Chánh và khẩn cấp chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân sốc mất máu, mạch và huyết áp không đo được. Cơ thể bị thương nghiêm trọng: dập đùi trái, rách tầng sinh môn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, vỡ xương chậu, không còn da che phủ tạng ổ bụng…
Các bác sĩ nhận định, ông H. có thể tử vong ngay vì quá đau hoặc mất máu. Báo động đỏ toàn viện được khởi động. Theo bác sĩ Vũ Dzuy, Phó trưởng khoa Cấp cứu, ê-kíp cấp cứu bỏ qua các bước như chụp CT, X-quang và xét nghiệm theo quy trình thông thường để đưa bệnh nhân lên phòng mổ nhanh nhất có thể.
“Chúng tôi phải đưa ra quyết định nhanh và kịp thời để giữ tính mạng bệnh nhân, làm sao phải cầm máu sớm nhất. Nếu thực hiện đủ các bước chụp chiếu xét nghiệm, người bệnh sẽ mất đi thời gian vàng được cứu sống”, bác sĩ Dzuy nói.
Trong thời gian rất ngắn, ê-kíp gây mê hồi sức được huy động với nhân lực gấp đôi bình thường, thực hiện bù máu và các chế phẩm máu, duy trì huyết áp ổn định trong suốt ca mổ.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, ông H. được phẫu thuật sau 30 phút nhập viện. Bác sĩ đã bỏ qua quy trình bài bản để tranh thủ từng phút.
“Quyết định làm theo quy trình thì dễ, không làm mới khó. Nếu không theo quy trình mà bệnh nhân tử vong, người nhà sẽ khiếu nại. Các bác sĩ phải dựa trên kinh nghiệm lâu năm để đưa ra quyết định, mở đường cho hơn 100 ngày điều trị sau đó”, bác sĩ Việt nói.
Với những chấn thương “xé dọc” chi thể như của bệnh nhân H., y văn ghi nhận hơn 90% trường hợp sẽ không qua khỏi. Mỗi lần hội chẩn, ê-kíp điều trị phải đưa ra nhiều phương án, Do các thương tổn phức tạp liên quan đến chấn thương chỉnh hình, ngoại tiêu hóa, tiết niệu sinh dục… ông H. phải trải qua 11 ca phẫu thuật.
Nhờ sử dụng tấm lưới che phủ mà tạng của bệnh nhân được bảo vệ khỏi những biến chứng nhiễm trùng. Chỉ đến khi các ca phẫu thuật ghép da bao phủ phần lớn diện tích vết thương, các bác sĩ mới dám thở phào.
Trên thực tế, ông H. có thể tử vong trong quá trình hậu phẫu bởi nguy cơ nhiễm trùng, thuyên tắc mạch, viêm phổi, suy dinh dưỡng,… Tuy nhiên, các y bác sĩ đã nỗ lực từng ngày dù với hy vọng nhỏ nhất để đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống.
Trải đau đớn trong những ngày nằm viện, ông H. luôn giữ tinh thần lạc quan nhất. Ông mất một bên chân và được tái tạo khung chậu, khớp háng. Trong tương lai, bệnh nhân có thể dùng chân giả.
Các bác sĩ cũng hướng đến việc tạo hình cơ quan sinh dục ngoài, đặt thể hang nhân tạo để giải quyết chức năng dương vật, mang lại khả năng sinh lý tốt hơn cho người bệnh.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, có ít nhất 10 khoa đã tham gia điều trị cho ông H. trong 112 ngày. Tổng chi phí lên đến 380 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm y tế chi trả 240 triệu đồng. Dự kiến, ông H. sẽ xuất viện vào ngày mai.