Mô hình phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phải thích ứng, chủ động trước xu thế biến đổi của tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Các quyết sách, chuyển đổi lớn phải trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của người dân.
Chỉ còn ít ngày nữa Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tổ chức. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành thời gian trao đổi với PV về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện đặc biệt này.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà |
Từ trước đến nay đã có nhiều hội thảo, hội nghị bàn về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng ĐBSCL nhưng chưa thực sự tìm ra được những giải pháp đột phá, có tính chất khả thi cao để giải quyết vấn đề này. Vậy Hội nghị lần này có điểm gì khác biệt và có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?
ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước các tác động. Quá trình phát triển, vùng ĐBSCL nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và tâm huyết của nhiều đồng chí lãnh đạo các thời kỳ.
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển vùng ĐBSCL, nhưng chỉ tập trung vào giải quyết một số vấn đề cụ thể, có tính cấp bách đặt ra cho từng lĩnh vực, từng địa phương riêng lẻ, thiếu tính tổng thể, hệ thống.
Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.
Kinh nghiệm từ triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi trong mô hình này sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng đối với các vùng kinh tế sinh thái trong cả nước; đóng góp kinh nghiệm cho khu vực và toàn cầu.
Hội nghị lần này sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, xin Bộ trưởng cho biết những yêu cầu cụ thể Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Hội nghị?
Thủ tướng rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL từ tác động kép của quá trình phát triển nội tại chưa bền vững, của biến đổi khí hậu, của các hoạt động từ thượng nguồn; lo lắng khi sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Với trách nhiệm và tâm huyết, trong tháng 7/2017, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Hội nghị là khả thi, thực chất, cụ thể:
Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.
Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị.
Thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu.
Thưa Bộ trưởng, đây được xem như là “hội nghị hiến kế” giải quyết những vấn đề cấp bách, sống còn của ĐBSCL, việc tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đã được thực hiện như thế nào?
Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân, trong vùng ĐBSCL và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Vì vậy, có thể nói đây là Hội nghị huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho quyết sách lớn của Chính phủ đối với phát triển vùng ĐBSCL.
Việc huy động trí tuệ và kinh nghiệm được thực hiện ngay từ quá trình chuẩn bị với nhiều đề xuất, sáng kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển trong quá trình chuẩn bị nội dung cho Hội nghị.
Trong thời gian diễn ra hội nghị (26-27/9, ngày thứ nhất, sẽ diễn ra 3 phiên song song để các đại biểu thảo luận nhận diện được thách thức, cơ hội, dự báo các xu thế tác động đến vùng ĐBSCL dưới tác động từ nội tại, của biến đổi khí hậu và từ bên ngoài làm cơ sở quy hoạch tổng thể, định hình mô hình phát triển bền vững; giải pháp chuyển đổi bền vững, phát triển kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai và sạt lở; cơ chế điều phối vùng và huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển.
Ngày thứ hai, sẽ diễn ra phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ bàn và thống nhất các quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.
Những vấn đề cụ thể người dân ĐBSCL đang phải đối mặt như bảo đảm sinh kế, hạn hán, xâm nhập mặn, nguy cơ ô nhiễm hệ thống sông Tiền, sông Hậu, dịch bệnh thủy sản… sẽ được giải quyết như thế nào sau Hội nghị, thưa Bộ trưởng?
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mô hình phát triển phải thích ứng, chủ động trước xu thế biến đổi về tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,… Các quyết sách, chuyển đổi lớn phải trên cơ sở vai trò trung tâm của người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên; các phương án, giải pháp phải căn cơ, có tính khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp thu hút được tối đa các nguồn lực nhằm phát triển bền vững bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
Trên cơ sở các kết quả thảo luận tại Hội nghị lần này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để hiện thực hóa các quyết sách đó.
Chết khát vì khô mặn, đốt lúa 'tế' trời
Nhiều nông dân ở Kiên Giang không muốn thu hoạch lúa vì thuê máy cắt còn đắt hơn tiền thu được từ những hạt lúa ít ỏi còn lại.
Sông mặn chát, chết khát khoan giếng tìm nước ngọt
Một xô nước ngọt có thể dùng cho tắm giặt, rửa đồ, tưới cây, cho bò uống… Chưa bao giờ vùng sông nước lại khát như hiện nay.
11 đập thủy điện dồn đại họa cho ĐBSCL
Trong khi hạn, mặn chưa kịp khắc phục, các chuyên gia lo ngại 11 dự án thủy điện ở hạ lưu sông Mekong của Lào và Campuchia sẽ khiến ĐBSCL gặp “đại họa”.
Bí quyết thắng Trời, thu bạc tỉ giữa vùng hạn mặn
Giữa khủng hoảng hạn, mặn, có những nông dân nhanh trí liên kết với doanh nghiệp làm mô hình luân canh lúa - tôm thu bạc tỉ.
Nuôi tôm chống hạn, mặn: Sướng anh, chết tôi
Việc lén bơm nước mặn vào ruộng để nuôi tôm ở Cà Mau thực ra đã diễn ra hơn 10 năm nay và trở thành “phong trào”.
Ngàn tấn hàu chết, vựa thuỷ sản nguy kịch trong mặn
ĐBSCL đang đối mặt với ngập mặn ngày càng lan rộng. Nông dân khắp các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bến Tre… chịu thiệt hại chưa từng có.
Đói, khát trên vựa lúa mặn cháy
Vựa lúa ở ĐBSCL đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn, giờ chỉ còn cắt đem cho vịt ăn.
(Theo VGP)