Những ngày này, chợ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đông nghịt người mua bán. Bởi, loại quả đặc sản tại vùng đất này đã bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Xe chở vải thiều của người nông dân nhuộm đỏ cả khu chợ vải kéo dài tới hơn 20km.

Các thương nhân từ khắp các nơi đổ về chợ này thu mua vải thiều để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Trao đổi với PV.VietNamNet vào sáng 18/6, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, vải thiều  đang vào mùa thu hoạch rộ. Giá vải thiều lai Thanh Hà, vải thiều muộn đang được thu mua ở mức 25.000-35.000 đồng/kg tùy loại và tùy thời điểm. Theo ông, mức giá này không cao như giá vụ vải thiều năm 2019 nhưng lại rất ổn định, hoạt động thu mua diễn ra theo chiều hướng tích cực.

Đề cập tới chuyện thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn mua vải, ông Thi cho hay, đợt sang đầu tiên có 113 người và cách đây vài ngày đã có 35 người hết thời gian cách ly theo quy định. Số người này đã ra chợ kết hợp với doanh nghiệp nước ta thu mua vải thiều xuất khẩu.

{keywords}
Chợ vải thiều Lục Ngạn hoạt động nhộn nhịp khi loại quả đặc sản này bước vào chính vụ thu hoạch

“Trước đó có khoảng 10 thương nhân Trung Quốc sang đây từ khi chưa có dịch Covid-19 để thu mua các loại trái cây khác. Giờ đến mùa vải thì họ chuyển qua mua loại quả đặc sản này”. Ông thi nói và cho biết, hiện có khoảng 45 thương nhân Trung Quốc đang hoạt động ở chợ vải Thiều Lục Ngạn. Trung bình có khoảng 1.800-2.300 tấn vải thiều được thu mua để xuất sang Trung Quốc mỗi ngày.

Còn tính từ đầu vụ đến ngày 17/6, có gần 22.000 tấn vải thiều được xuất sang Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chính của quả vải thiều Lục Ngạn, ông Thi cho hay.

Thực tế, một tuần trở lại đây, lượng xe vận chuyển vải thiều tươi xuất qua cửa khẩu Tân Thanh, (Lạng Sơn) tăng bình quân gấp 5-6 lần so với đầu vụ. Trung bình một ngày có từ 50-60 xe vải thiều được làm thủ tục thông quan, chiếm 2/3 lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc dịp này.

Theo đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh, trên cửa khẩu Tân Thanh, vải thiều là mặt hàng được ưu tiên, chủ yếu là luồng xanh. Khi doanh nghiệp khai trên hệ thống, hồ sơ mang vào thì kiểm tra sơ bộ thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một bộ hồ sơ trung bình chỉ làm trong khoảng 2 phút.

{keywords}
Xe chở vài thiều nhuộm đỏ cả khu chợ dài 20km
{keywords}
Thương nhân từ khắp các nơi đổ về thu mua về thiều để chở đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
{keywords}
Các điểm cân tại chợ thu mua hàng ngàn tấn vải thiều mỗi ngày
{keywords}
Buổi chiều, vải thiều trước khi đóng hộp xuất sang Trung Quốc sẽ được ngâm qua vào thùng nước đá
{keywords}
Mỗi thùng được xếp 4 chùm vải, tổng trọng lượng khoảng trên dưới 20kg/thùng
{keywords}
Người làm ngồi cắt bỏ cuống thừa trên mỗi chùm vải
{keywords}
Mỗi ngày có khoảng 1.800-2.300 tấn vải thiều được thu mua rồi đóng hộp xuất sang Trung Quốc

Năm 2019,  tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 145,6 ngàn tấn, doanh thu khoảng 6.300 tỷ đồng.

Theo đó, đầu vụ vải năm ngoái có 260 thương nhân Trung Quốc sang kết hợp với các thương nhân Việt Nam đặt điểm cân thu mua vải thiều của bà con nông dân rồi xuất sang Trung Quốc. Đến giữa vụ vải con số này đã lên tới 400 thương nhân. Kéo theo đó, số điểm cân trên toàn tỉnh tăng lên tới trên 500 điểm lớn nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Vụ vải thiều năm nay đã có trên 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang Bắc Giang thu mua. Danh sách các thương nhân nước này đăng ký sang đây mua vải thiều vẫn tiếp tục tăng lên. Song, theo quy định, khi sang Lục Ngạn họ vẫn phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày trước khi ra chợ vải mua bán, ông Thi cho hay.

Tâm An