Chiều 7/12, Trung tâm Truyền thông thanh thiếu nhi (Trung ương Đoàn) và Tổ chức cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) phối hợp tổ chức ra mắt ứng dụng giáo dục sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi mang tên Generation Hope.

Ứng dụng được thiết kế nhằm phát triển kỹ năng mềm và thúc đẩy sự tham gia chủ động của thế hệ trẻ vào các vấn đề xã hội. Thông qua ứng dụng, các em tự tin thực hiện các hoạt động ý nghĩa như bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực học đường, hướng nghiệp và giải quyết nhiều vấn đề thiết thực khác…  

hoc sinh.jpg
Các em học sinh có thêm ứng dụng giúp phát triển kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa

Quyền Giám đốc Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi Lê Duy Hưng Thịnh chia sẻ: “Generation Hope không chỉ là nền tảng học tập mà còn là sàn giao dịch sáng tạo, giúp các bạn trẻ phát huy tiềm năng và đóng góp cho xã hội; là nơi các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng và dự án của mình”. 

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng Đại diện Tổ chức cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn Generation Hope trở thành người bạn đồng hành của thanh thiếu niên, giúp các em nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng, trở thành những công dân có trách nhiệm; sáng tạo những sáng kiến truyền thông tích cực”.

Trong giai đoạn xây dựng và thử nghiệm ứng dụng, Ban Tổ chức đã tiến hành gần 50 buổi tọa đàm, tiếp thu hơn 1.000 ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên và học sinh; ứng dụng đạt gần 102.000 lượt truy cập và tiếp nhận 32 dự án tiềm năng.

Tại chương trình ra mắt, 4 dự án xuất sắc nhất của ứng dụng đã trình bày để Ban Tổ chức có phương án hỗ trợ triển khai, gồm: Dự án đào tạo Hướng dẫn kỹ năng bảo vệ bản thân dành cho học sinh (Trường THCS Lương Yên); dự án Phổ biến kiến thức kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục dành cho học sinh (Trường THCS Lý Thường Kiệt); chiến dịch truyền thông hướng dẫn cộng đồng chung tay thực hiện Zero Carbon tại Việt Nam (Trường THPT Quang Trung) và chiến dịch truyền thông phòng ngừa các hành vi lừa đảo và sử dụng mạng xã hội thông minh (Trường THPT Hoàng Cầu).

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đề ra mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho các em. 

Trong đó có nhiệm vụ tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội.

a) Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông về Chương trình và phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến đến các trường học về chủ trương, chính sách, hướng dẫn đối với sức khỏe học đường và nâng cao sức khỏe cho học sinh.

c) Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về sức khỏe học đường phù hợp với từng cấp học, địa phương, vùng, miền, dân tộc.

d) Tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú như các phong trào, cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe học đường, các diễn đàn, các câu lạc bộ sức khỏe trường học... Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về các kỹ năng truyền thông, lập kế hoạch cho cán bộ, giáo viên và đội ngũ tuyên truyền viên trong trường học.

đ) Tổ chức kiểm tra, đánh giá sức khỏe định kỳ của học sinh và kết hợp lồng ghép, truyền thông cho cha mẹ thông qua họp phụ huynh, các phương tiện truyền thông của nhà trường về sức khỏe học đường.