Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Vai trò của vitamin D3 và K2 trong việc cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, hiện nay các phụ huynh quan tâm tới cân nặng của con nhiều hơn và bỏ quên chiều cao. Trong khi đó, cân nặng có thể thay đổi trong suốt đời, còn chiều cao chỉ có thời gian nhất định.
Quá trình tăng chiều cao được chia ra các giai đoạn cụ thể: Trong 40 tuần mang thai, trẻ tăng từ 0-50cm; từ 0-1 tuổi tăng 25cm; 1-2 tuổi tăng 12cm. Trong 1.000 ngày đầu đời, trẻ đạt 50% chiều cao khi trưởng thành sau đó giảm dần. Giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng mạnh rồi chậm lại. Việc tăng chiều cao không chỉ đem lại vóc dáng đẹp hơn mà còn giúp giảm nguy cơ thừa cân béo phì khi trưởng thành, các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường… trong tương lai.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao như:
- Yếu tố gene, hormone, phát triển của vi sinh đường ruột.
- Giấc ngủ: Trẻ cần ngủ đủ thời gian theo độ tuổi để đảm bảo lượng hormone tăng trưởng. Hormone của trẻ khi ngủ say là 22h đến 1h và từ 4-5h. Hiện tại, trong nhiều gia đình, việc trẻ em ngủ quá muộn do bài vở học tập và thói quen ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển thể chất. Khi đó, mẹ cố gắng bồi bổ cho con cũng không thể đạt tốc độ phát triển chiều cao tối đa.
- Thuốc lá: Trẻ hút thuốc sẽ ảnh hưởng khoảng 1,7cm chiều cao.
- Tập luyện: Đây là biện pháp kích thích khả năng tăng trưởng hệ xương, cơ của trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng: Các khoáng chất quan trọng nhất trong phát triển chiều cao là canxi, sắt, kẽm. Ăn quá nhiều đường làm giảm hấp thụ canxi, ăn quá nhiều thịt đào thải canxi cũng ảnh hưởng tới chiều cao.
Hiện tại, Việt Nam triển khai các chương trình can thiệp để giups tăng chiều cao cho trẻ. Điển hình là Chương trình sức khỏe học đường với mục tiêu nâng cao chất lượng, xây dựng các hướng dẫn, tiêu chuẩn về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học; tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh bao gồm triển khai các phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng và phần mềm xây dựng thực đơn cho học sinh.
Theo báo cáo của Tiến sĩ Sơn, năm 2020, trung bình nam giới cao 168,1cm, nữ giới 156,26cm. So với 10 năm trước, chiều cao nam thanh niên tăng 3,7cm (164,4cm) và nữ tăng thêm 2,6cm (153,6cm). Trước năm 1975, chiều cao người Việt ít thay đổi, nam là 160cm, nữ cao 150cm.