Trường học là nơi học sinh dành nhiều thời gian nhất sau ngôi nhà của mình. Ở đây, trẻ không chỉ học tập mà còn tham gia các hoạt động vui chơi, ngoại khóa. Do đó, việc đảm bảo không gian trường học an toàn rất quan trọng để không ảnh hưởng tới sức khỏe của các em. 

Nếu không có những biện pháp phòng ngừa, tai nạn gây thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuối năm 2023, tại một trường học ở Vinh, trần nhà bất ngờ sập khiến 9 học sinh và cô giáo đứng lớp bị thương phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An. Các học sinh còn lại cũng cần chăm sóc, ổn định tâm lý. Trường đã xây dựng được 30 năm, mặc dù đã nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng vẫn tồn tại những thanh gỗ mục.

Một sự cố khác xảy ra tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) vào tháng 1. Cây phượng bất ngờ bật gốc gãy đổ gây thương tích cho 4 em học sinh đang tập thể dục gần đó. Cây phượng có phần gốc đã mục, rỗng thân dù lá vẫn xanh. 

truong hoc.jpg
Các trường cần đảm bảo không gian học tập, vui chơi an toàn cho học sinh. Ảnh minh họa

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 18 hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Theo đó, các trường cần bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giáo dục.

Các trường hoàn thiện, rà soát, kiểm tra thường xuyên cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, công trình, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của người học theo quy định.

Kèm theo Thông tư là phụ lục các tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích như: 

- Khuôn viên được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào bảo vệ; cổng trường, tường, rào kiên cố, có biển tên và đóng mở theo giờ quy định.

- Sân chơi bằng phẳng, không trơn trượt. Nhà tập luyện đa năng (nếu có), khu tập luyện thể thao ngoài trời không ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực phòng học. Có lối đi riêng dành cho người học khuyết tật vận động (nếu trường có người học khuyết tật vận động).

- Phòng học chắc chắn, thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Bàn, ghế bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Hệ thống cửa chắc chắn, có móc và được cố định khi cửa mở; cửa sổ có chấn song chắc chắn, an toàn.

- Hệ thống điện, các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong phòng học và các thiết bị khác (quạt điện, máy chiếu, tivi, điều hòa...) được lắp đặt ở vị trí phù hợp, an toàn.

- Nhà vệ sinh cho người học, cán bộ, giáo viên, nhân viên được thiết kế thông thoáng và bố trí riêng biệt cho nam và nữ; nền nhà vệ sinh khô ráo, sạch sẽ, chống trơn trượt, có hệ thống cấp thoát nước hoạt động liên tục.

- Hệ thống cây xanh phù hợp cảnh quan, tạo bóng mát; cây to, cây cổ thụ được gia cố, chặt, tỉa bảo đảm an toàn. Bồn hoa, bồn cây không có góc cạnh sắc nhọn; chậu hoa, cây cảnh đặt ở vị trí an toàn, chắc chắn; không trồng cây có nguy cơ gây độc, gai sắc.

- Hệ thống ao, hồ, bể bơi trong nhà trường (nếu có) phải được rào chắn và có biển cảnh báo nguy hiểm.

 Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho các em. Trong đó đặt mục tiêu cụ thể 80% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 75% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng (độ rọi không dưới 300 Lux); 50% trường học phổ thông bố trí bàn ghế bảo đảm cỡ số theo nhóm chiều cao của học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật.