Đông đảo người dùng quan tâm

Được triển khai thông qua website https://khonggianmang.vn/chiendich2020 trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến trung ương.

Nhờ đó, số lượng địa chỉ IP của các máy tính nằm trong các mạng máy tính nhiễm virus (IP Botnet) đã giảm mạnh (từ hơn 2 triệu địa chỉ IP xuống còn trên 1,3 triệu).

Đáng chú ý, trong số trên 900.000 lượt máy tính tham gia rà quét mã độc, có trên 300.000 máy (chiếm tới 1/3) máy tính bị lây nhiễm mã độc đã được các đơn vị tham gia chiến dịch phát hiện và hỗ trợ bóc gỡ.

Không những nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng Internet Việt Nam, Chiến dịch đặt mục tiêu đề ra là giảm 50% tỉ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ông Trần Quang Hưng, quyền Giám đốc NCSC, đơn vị chủ trì triển khai chiến dịch chia sẻ, Chiến dịch này là bước khởi đầu của Trung tâm NCSC thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT trong nỗ lực vì một không gian mạng Việt Nam an toàn và lành mạnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thành công bền vững. Tiếp sau các hoạt động của chiến dịch, chúng tôi vẫn tăng cường rà soát và xử lý mã độc hại một cách thường xuyên để trở thành một quá trình liên tục.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là chiến dịch quy mô lớn, được triển khai trên diện rộng, hướng tới việc bảo đảm an toàn, lợi ích của cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân và gia đình có thiết bị kết nối internet trên môi trường mạng.

Tình trạng lây nhiễm mã độc vẫn còn cao

Theo nghiên cứu của một số hãng bảo mật uy tín đã khảo sát trên phạm vi toàn cầu, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam thời gian gần đây mặc dù có giảm song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới.

Theo thống kê tại thời điểm trung tuần tháng 9/2020, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ máy tính đang theo giao thức internet thế hệ 4 (gọi tắt là IPv4), trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế.

Đồng thời, có hơn 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính bị nhiễm virus lớn nhất toàn khu vực và quốc tế. 

Một cán bộ Trung tâm An ninh mạng Viettel cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc cao là do người sử dụng Internet tại Việt Nam chưa thực sự chú ý đến việc đảm bảo an toàn thông tin, phòng tránh lây nhiễm mã độc cho máy tính của mình. Người dùng vẫn còn có nhiều hành vi sử dụng Internet không an toàn như sử dụng các phần mềm lậu, truy cập các trang web không uy tín, hoặc không sử dụng các phần mềm bảo vệ máy tính của mình. 

Trên thực tế, việc sử dụng các phần mềm lậu, các chương trình “crack” tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thông tin.

 Bên cạnh đó các phần mềm này không được cung cấp bởi các công ty uy tín, và đôi khi được gắn kèm các phần mềm độc hại, cài đặt ngầm vào máy tính người sử dụng. 

Do đó, người dùng không nên sử dụng các phần mềm lậu, không rõ nguồn gốc để có thể bảo vệ một cách tốt nhất máy tính.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, để phòng chống virus, người dùng không nên vào các website không rõ nguồn gốc, không tùy tiện cài các phần mềm trên mạng, không mở trực tiếp các file nhận được qua email hay qua chat, messenger. Bởi khi máy tính bị nhiễm virus, người dùng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như người dùng có thể bị chiếm quyền điều khiển, bị theo dõi bởi phần mềm gián điệp, bị mất tài khoản ngân hàng, mất mật khẩu email, mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn có thể bị lấy cắp dữ liệu, xóa dữ liệu.

Bạch Hân