Danh sách 10 trường đại học chuyên nghiên cứu tiền mã hóa vừa được nhà cung cấp tài sản số hóa Kaiko công bố gần đây. Đại học RMIT được vinh danh nhờ “đổi mới sáng tạo tiên tiến nhất liên quan đến kết hợp nghiên cứu kinh tế và công nghệ”.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Blockchain của Đại học RMIT (BIH) tại Melbourne, Úc có tiếng thu hút được các nhà làm luật và báo giới đến cùng tìm hiểu xem cách blockchain có thể tác động lên việc quản trị và môi trường kinh tế như thế nào.
Tại cơ sở ở Việt Nam, Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) của trường đã và đang hợp tác với BIH để đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất sáng kiến phát triển đến chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, đồng thời thiết lập hợp tác nghiên cứu hiệu quả giữa châu Á, Úc và châu Âu.
Phó giáo sư Jerry Watkins, phụ trách CODE, cho biết trung tâm làm việc chặt chẽ với các nghiên cứu viên của RMIT Việt Nam gồm Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng Thái, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình và Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, để tìm hiểu cơ hội trong giao dịch tài chính, tài sản và bất động sản nhằm xác định tính khả thi của blockchain ở Việt Nam”.
Đến nay, các nghiên cứu viên đã công bố nghiên cứu với nhiều đề tài khác nhau từ thống kê bitcoin và tác động của đồng Bitcoin thay thế, đến chính sách tiền tệ không đối xứng tác động lên thị trường tiền mã hóa.
Cả ba nghiên cứu viên này đều đang giảng dạy và nghiên cứu tại Nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị của RMIT Việt Nam.
Tiến sĩ Christopher Berg - nghiên cứu viên cấp cao của BIH (thứ hai từ trái sang), Giáo sư Jason Potts – Giám đốc BIH (thứ ba từ trái sang), cô Huỳnh Thục Yến - Điều phối viên CODE (thứ tư từ trái sang), Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (thứ tư từ phải sang) và Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng Thái (thứ ba từ phải sang) tại sự kiện Blockchain, Tradetech và Quản lý chuỗi cung ứng tổ chức tại Hà Nội vào năm ngoái |
Tiến sĩ Bình, người từng đóng góp ý kiến trong loạt bài về kinh tế kỹ thuật số trên Tạp chí Vietnam Investment Review, cho biết công bố từ Kaiko là sự công nhận giá trị với trường. “Chúng tôi lấy làm vinh dự và vô cùng tự hào được xếp hạng thứ ba thế giới vì điều này nêu bật ghi nhận của ngành với chuyên môn của chúng tôi về blockchain. Điều này hết sức quan trọng để RMIT tiếp tục thực hiện những nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ các nhà làm luật, doanh nghiệp và cá nhân, cho họ hiểu biết sâu sắc nhằm đưa ra quyết định giúp kiến tạo kinh tế số tương lai”, Tiến sĩ Bình chia sẻ.
Tiến sĩ Thái bổ sung thêm rằng, “từ góc nhìn của khoa học xã hội, blockchain còn mới và dù nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực này còn ở giai đoạn sơ khởi, tiềm năng phá vỡ mô hình kinh doanh hiện tại của blockchain đã được đông đảo các học giả thừa nhận. Blockchain sẽ thay đổi cách vận hành kinh doanh và cách ứng xử của người tham gia vào kinh tế nhờ quy trình tán quyền, minh bạch và hiệu quả hơn”.
Blockchain, công nghệ đằng sau tiền mã hóa Bitcoin, được xem là một trong những phát kiến mang tính đột phá nhất và là một trong những công nghệ tác động mạnh mẽ nhất được phát triển trong những năm gần đây.
Năm 2018, Đại học RMIT ra mắt khóa học ngắn hạn đầu tiên trong chương trình đại học của Úc về chiến lược blockchain tại cơ sở Melbourne, nhằm bắt kịp xu hướng đào tạo blockchain – một ngành đang nổi và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Khóa học này sẽ sớm có mặt tại cơ sở Nam Sài Gòn tại Việt Nam.
Từ ngày 1 đến 3/8/2019, CODE sẽ tổ chức chuỗi quảng bá blockchain thứ hai gồm các hoạt động như chia sẻ công khai, hội thảo chuyên đề và hội thảo cho các doanh nghiệp và công chức nhà nước nắm giữ những vị trị quan trọng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Tiến sĩ Christopher Berg, nghiên cứu viên cấp cao của BIH sẽ tham gia vào nhóm quảng bá và sẽ có bài thuyết trình về blockchain.