Đám tang NSƯT Hồng Vy diễn ra từ 9h30' hôm nay, 8/5, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM), 13h cùng ngày đưa linh cữu chị đi hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.
Em gái Thanh Quý, con trai Chí Nam và những người thân trong gia đình cùng lo liệu đám tang của Hồng Vy. Các nghệ sĩ đến viếng có NSƯT Trần Vương Thạch, nhạc trưởng Lê Ha My, NSƯT Thanh Thúy, ca sĩ Lân Nhã...
Trên bàn tưởng niệm đặt những di vật mà Hồng Vy trân trọng sinh thời gồm những album, những tấm thiệp mà con trai viết cho chị.
Trong thiệp gửi ngày 20/10/2019, Chí Nam viết: "Con muốn mẹ sống ít nhất đến lúc con của con 8 tuổi rồi. Con thương mẹ lắm. Con chỉ mong mẹ khỏe thôi, mẹ bệnh con buồn lắm".
Nhiều người viếng rơi nước mắt khi đọc thiệp của em Chí Nam gửi mẹ và dòng viết của những nghệ sĩ, người thân của Hồng Vy trong sổ tang.
NSƯT Trần Vương Thạch - nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM làm việc với Hồng Vy từ năm 2013 khi chị về Nhà hát với vai trò solist (độc xướng).
Ông nói với VietNamNet, Hồng Vy là giọng soprano rất đẹp, sáng và mạnh mẽ. Khi Nhà hát bắt đầu dựng các vở nhạc kịch, Hồng Vy tham gia nhiều tác phẩm, nhân vật Papanega trong vở Cây sáo thần của Mozart xứng đáng là vai để đời của chị.
"Nếu không đoản mệnh, chắc chắn Vy còn tiến rất xa trong nghề vì con người ấy rất ham học hỏi, luôn luôn cầu tiến", ông nhận xét.
Trong Nhà hát, Hồng Vy từng có nhiệm kỳ làm ủy viên, đưa ra nhiều đóng góp cho công việc chung. Đối với đàn em, NSƯT "rất ra dáng người chị lớn".
MC Minh Đức đến đám tang từ sớm, nán lại đến lúc đưa linh cữu đi hỏa táng. Anh viết trong sổ tang: "Sẽ nhớ mãi những tháng ngày chúng ta ca hát bên nhau vui biết mấy". Anh quen Hồng Vy từ năm 2011, đồng hành nhiều chương trình cá nhân của chị, trong đó có đêm VY - Live concert để đời.
Với Minh Đức, Hồng Vy hiền lành nhưng "mạnh mẽ như đàn ông". Bạn học cấp 1 kể chị thuở bé "nghịch như giặc", từng lãnh đạo cả nhóm đi đánh nhau với đám trẻ xã khác.
MC tin rằng tính cách mạnh mẽ của Hồng Vy có phần được hun đúc từ quãng thời gian chị thường xuyên đi về giữa Kon Tum (nơi bố mẹ đẻ của chị sống) và Hà Nội (nhà của bố mẹ nuôi NSND Doãn Tần - Minh Hồng).
Hồng Vy rất ham hát, đam mê cháy bỏng, tìm mọi cách để đưa dòng nhạc thính phòng đến gần khán giả đại chúng. Nghệ sĩ luôn là hạt nhân, đầu tàu trong công việc lẫn đời thường. Chị được bạn bè đặc biệt yêu quý, phần lớn dự án cá nhân suôn sẻ do lúc nào cũng có người giúp đỡ.
Mồng 1 Tết Nguyên đán 2022, Hồng Vy hẹn gặp Minh Đức. Chị thấy may mắn khi đợt hóa trị vừa rồi "ăn thuốc", cơ thể khỏe hơn nên muốn triển khai ngay các kế hoạch như chuỗi hòa nhạc thính phòng theo mùa, album 10 bài tình ca hay nhất của 10 thập niên...
Vài tháng trước khi qua đời, NSƯT lại nhờ Minh Đức tìm giúp nhạc sĩ viết tiếng Việt, phối khí cho những bài ru cổ điển của thế giới. Chị muốn thực hiện album này cho con trai Chí Nam trước khi mất.
Thuở nhỏ Chí Nam chỉ biết mẹ là ca sĩ, khi em theo học Nhạc viện mới ý thức đầy đủ di sản âm nhạc của Hồng Vy giá trị thế nào.
Trong cuộc gọi cuối cùng, Hồng Vy nói Chí Nam không muốn Minh Đức bán hết đĩa của mẹ. Vì vậy, anh giữ lại vài chục đĩa mỗi album cho cậu.
Minh Đức hối tiếc chuyện không đến thăm Hồng Vy những ngày cuối cùng. Anh nghĩ lạc quan Hồng Vy sẽ không mất quá nhanh, một mặt sợ sốc khi đối diện cô bạn bị bệnh ung thư giày vò.
Trước giờ di quan, nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đọc điếu văn, tổng kết sự nghiệp của Hồng Vy, từ thời thơ ấu đến khi thành danh với loạt album nhạc cách mạng.
"Những năm tháng cuối đời, Hồng Vy luôn muốn mỗi ngày sống phải đầy ắp lạc quan, ý nghĩa. Bệnh tật có thể lấy đi sức khỏe của em, nhưng không thể lấy đi tình yêu âm nhạc cháy bỏng. Đến tận lúc từ giã cuộc sống, em vẫn trăn trở với dòng nhạc thính phòng một đời theo đuổi", trích đoạn điếu văn.
Trong lời cảm tạ của gia đình, Thanh Quý xúc động nói: "Chị tôi rất ham hát, không chỉ những sân khấu lộng lẫy, sang trọng mà bất cứ nơi đâu nhân dân muốn nghe nhạc cách mạng, dân ca, cổ điển. Chị luôn nói muốn hát đến khi thành một bà lão. Nhưng chị đã không kịp già, không thể hát với mái đầu bạc như ước nguyện. Bệnh tật đã cướp đi chị gái của tôi, người nghệ sĩ chân chính của nhân dân".
Nhạc trưởng Lê Ha My đọc điếu văn