Hàng Việt chờ bứt phá để thâm nhập vào Anh

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi sụt giảm mạnh 51% trong tháng 5/2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng trong 2 tháng sau đó. Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sang Anh trong 7 tháng đầu năm 2023 lên cao hơn 77% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 4,5 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết: Hiện Anh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Anh tăng tới 98%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại giảm.

Tại thị trường Anh, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu thị trường này. 

Sự gia nhập của Anh kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của nước này và các thành viên trong khối CPTPP, trong đó có Việt Nam. Cùng với hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Anh (UKVFTA), những ưu đãi từ CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường Anh, trong đó có cá ngừ.

Theo dự kiến của VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh trong những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục khả quan.

Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gỗ tới Anh vẫn rất khả quan. 

Do lạm phát cao và người tiêu dùng Anh thắt chặt chi tiêu, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này tới Anh chịu tác động, hoạt động xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Anh trong 6 tháng năm 2023 đạt gần 80 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm 2022. 

Mặc dù vậy, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này tới Anh vẫn rất khả quan, bởi Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trên toàn cầu. Trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trung bình đạt 4,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018 – 2022, trong đó trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 7,9% trong tổng trị giá (theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế).

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, hàng Việt Nam đang có cơ hội từ cơ sở ưu đãi thuế quan theo UKVFTA. Đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da,… sang Anh quốc. Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và tình hình chiến sự tại Ukraine.

Bên cạnh đó, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người). Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp. Đây đều là những cơ hội để hàng Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường tại đây.

Ứng phó với khó khăn

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, việc xuất hàng vào Anh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu. Biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

Ngoài ra, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, Thương vụ sẽ tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thồi, tìm hiểu và cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh. Cập nhật và phổ biến sách điện tử "Thị trường Anh – những điều cần biết".

 Phạm Lương Bằng, Phạm Duy Linh, Nguyễn Hồng Hạnh, Hà Ngọc Dũng